Cập nhật: 26/09/2010 20:35:40 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau giá xăng dầu, cơ chế điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường đang được Bộ Công thương hoàn thiện. Cụ thể, giá bán buôn điện sẽ được điều chỉnh bốn lần/năm tùy mức biến động giá nguyên liệu than, dầu, khí, tỉ giá...

Quy định mới cũng buộc các đơn vị bán buôn điện có nghĩa vụ trích lập quỹ bình ổn giá. Quỹ này tương tự quỹ bình ổn giá xăng dầu, được để lại tại doanh nghiệp, hạch toán riêng và chỉ sử dụng vào mục đích bình ổn giá. Theo một chuyên gia của Bộ Công thương, cơ chế giá điện trên đúng là tương tự, “kế thừa bài học thành công” của cơ chế giá xăng dầu, vừa giúp giá điện theo thị trường nhưng không làm tăng giá mạnh, gây sốc.

 

4 phương án tăng, giảm giá điện theo quý

 

Thứ nhất, nếu các yếu tố đầu vào biến động làm giá điện bình quân giảm hoặc tăng dưới 1% so với giá điện cơ sở của quý thì sẽ không điều chỉnh giảm hoặc tăng giá điện. Thứ hai, nếu có biến động làm giá điện bình quân tăng từ 1-5%, đơn vị bán buôn điện được phép tăng giá điện với mức tương ứng. Thứ ba, nếu có biến động mạnh hơn làm giá điện bình quân quý tăng từ trên 5% đến 10%, đơn vị bán buôn điện được phép tăng 5% và 70% của mức trên 5% đến 10%.

 

Phần chênh lệch chi phí còn lại được điều chỉnh vào các quý kế tiếp để giá điện không tăng đột ngột. Thứ tư, nếu giá điện phải tăng trên 10% hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Thủ tướng sẽ công bố các biện pháp bình ổn.

 

Giá điện 1.500 đồng/kWh để theo thị trường?

 

Dự kiến, giá điện theo cơ chế thị trường sẽ được Bộ Công thương trình Thủ tướng quyết định và áp dụng ngay trong quý 4-2010. Theo một quan chức Tập đoàn Điện lực VN (EVN), việc giá điện theo cơ chế thị trường sẽ nhanh chóng giúp tình hình tài chính và khả năng vay vốn của EVN tăng chứ chưa thể khiến tăng ngay chất lượng cung ứng điện và chống được thiếu điện.

 

Tại cuộc hội thảo hồi tháng 7 về huy động vốn đầu tư vào điện, mức giá được nhận định “đủ để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào điện VN sẽ phải ở mức 7-8 cent/kWh, tức khoảng 1.500 đồng/kWh”. Còn với mức giá EVN đang bán cho người dân trung bình khoảng 5,2 cent/kWh, theo ông Đậu Đức Khởi - phó tổng giám đốc EVN, mức lợi nhuận hằng năm của EVN rất thấp, EVN sẽ rất khó thuyết phục các ngân hàng cho vay vốn để đầu tư xây dựng nhà máy điện.

 

Một quan chức EVN khẳng định việc có đủ khoảng 20% vốn đối ứng cho các dự án nguồn điện mới không đơn giản. “Thiếu tiền đầu tư là một trong những lý do quan trọng nhất khiến thiếu điện. Quy hoạch có rồi, EVN đủ năng lực để làm chủ đầu tư, nghĩa là tất cả sẵn sàng nhưng tiền thì... không có” - vị quan chức này nói và khẳng định nếu giá điện theo cơ chế thị trường, việc đàm phán giá điện với các nhà máy điện độc lập cũng dễ hơn, các nhà đầu tư sẽ thấy rõ sản phẩm của mình làm ra không phải bán dưới giá thành, vốn đầu tư vào ngành điện sẽ tăng.

 

Trong khi đó, một quan chức Bộ Công thương không xác nhận chuyện giá điện sẽ tăng lên 1.500 đồng/kWh và cho rằng giá điện sẽ tăng từng bước.

 

Giá điện sinh hoạt sẽ tăng cao hơn

 

Với cơ chế giá điện này, cả quan chức EVN và Bộ Công thương đều cho rằng chắc chắn năm 2011 giá điện sẽ theo xu hướng tăng. Mức giá bán lẻ cụ thể cho năm 2011 chưa có kết quả cuối cùng nhưng mức giá mới được khẳng định sẽ không gây sốc, không ảnh hưởng mạnh đến sản xuất và đời sống người dân. Dự kiến biểu giá mới sẽ chỉ được công bố khoảng ngày 1-3-2011. Tuy nhiên, giá điện sinh hoạt sắp tới chắc chắn sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn điện sản xuất do nguyên tắc giảm bù chéo giá điện sản xuất cho sinh hoạt hiện nay. Sẽ vẫn có hỗ trợ giá cho các hộ nghèo với 50kWh đầu tiên, nhưng người dùng nhiều hơn 50kWh/tháng sẽ phải chịu mức giá tăng mạnh hơn để bù cho mức giá thấp 50kWh đầu nhằm khuyến khích tiết kiệm điện.

 

Dự kiến, cùng với việc áp dụng giá điện theo cơ chế thị trường, Bộ Công thương sẽ thành lập tổ điều hành giá điện do Cục Điều tiết điện lực chủ trì và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tham gia. Cơ quan nhà nước sẽ kiểm soát và “huýt còi” nếu doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý, giảm giá không kịp thời.

 

 

Theo Tuổi trẻ online

Tệp đính kèm