Vấn đề cải cách thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến lĩnh vực đất đai đang là vấn đề thu hút được sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp, bởi vẫn còn nhiều khúc mắc, bức xúc liên quan đến lĩnh vực này.
Vừa qua, Chính phủ yêu cầu việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC trong lĩnh vực đất đai tại cấp huyện thực hiện theo Nghị định 88/2009/NĐ-CP; còn tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện theo Nghị định 43/2010/NĐ-CP để tránh sự chồng chéo, phức tạp không đáng có.
Vẫn nóng những thủ tục liên quan đến đất đai
“Nóng” nhất vẫn là các thủ tục hành chính liên quan đến nhà ở và xây dựng nhà ở. Các thủ tục thuộc lĩnh vực đất đai như: cho thuê đất, thủ tục thu hồi đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSD), quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất... luôn là những vướng mắc mà người dân và doanh nghiệp gặp phải thời gian qua. Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra CCHC của Hà Nội cho hay: Tất cả sự chậm trễ đều liên quan đến các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai. Chẳng hạn phường Bách Khoa tất cả các thủ tục khác liên quan đến cơ chế một cửa, một cửa liên thông đều thông thoáng, trừ những thủ tục liên quan đến đất đai. Hiện còn những vụ việc tồn đọng đến 12 năm chưa thể giải quyết được chỉ vì TTHC.
Tại một số huyện trên địa bàn thành phố, các thủ tục về đất đai nhiều khi chưa được thực hiện ở bộ phận một cửa, hoặc có thực hiện cũng chưa đầy đủ và chưa thể hiện rõ ràng trên sổ sách giấy tờ. Kết quả kiểm tra đột xuất về CCHC của đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội tại một số quận, huyện cho thấy, nhiều cán bộ áp dụng “quá cứng” quy định của pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân hoặc áp dụng văn bản đã không còn giá trị sử dụng nữa vì “không biết” đã có văn bản mới ra đời thay thế nó.
Chính sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện giải quyết TTHC. Đặc biệt, Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất không thống nhất với nội dung Quyết định số 93/2007/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”... Theo Luật Xây dựng thì chỉ cần có đủ 3 loại giấy tờ là: đơn xin cấp phép xây dựng; giấy tờ về quyền sở hữu nhà và QSD đất; hồ sơ thiết kế công trình. Nhưng trong thực tế triển khai, có nhiều nơi lại yêu cầu tới 7 loại giấy tờ mới tiến hành cấp phép.
Công khai các TTHC
Tổ phó Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ Ngô Hải Phan cho biết, thời gian qua tổ công tác đã tổ chức nhiều hội thảo giúp doanh nghiệp và người dân hiểu và biết thêm về các TTHC. Tổ công tác và các bộ ngành đã rà soát xong các TTHC liên quan đến người dân và doanh nghiệp ở các cấp chính quyền, các thị trấn, phường, xã với tổng số trên 5200 TTHC. Hiện nay, tổ chuyên trách đang đưa ra kiến nghị, sửa đổi bổ sung 402 TTHC theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân. Do đó, sau khi rà soát, sửa đổi, các TTHC được ban hành sẽ đảm bảo mục tiêu quản lý và đem lại thuận lợi cho dân và DN.
Đối với những vướng mắc trong quá trình tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC trong lĩnh vực đất đai và đăng ký hộ kinh doanh tại UBND cấp huyện, Chính phủ đã tìm cách tháo gỡ. Theo ông Ngô Hải Phan, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện có trách nhiệm tổ chức việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả các TTHC đơn giản, thuận tiện và công khai, minh bạch. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở, ngành, cơ quan tương đương và UBND cấp huyện, cấp xã phải công khai tất cả TTHC có liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, phải thực hiện theo cơ chế một cửa bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với những TTHC đã được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố theo đề án 30.
Báo điện tử Đại đoàn kết