Cập nhật: 12/11/2010 16:24:30 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sáng 12/11, một vùng áp thấp trên khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít dịch chuyển hoặc dịch chuyển chậm theo hướng Tây

Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn vừa có công điện gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Bà Rịa Vũng Tàu; Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông - Vận tải, Công thương, Văn hoá- Thể thao và Du lịch.

 

Sáng 12/11, một vùng áp thấp trên khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 7h sáng 12/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13 đến 14 độ vĩ Bắc; 112,5 đến 113,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.

 

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít dịch chuyển hoặc dịch chuyển chậm theo hướng Tây. Đến 7h ngày 13/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,9 đến 13,9 độ vĩ Bắc; 111,8 đến 112,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.

 

Khu vực Bắc và giữa biển Đông, vùng biển từ Quảng Trị đến Khánh Hoà có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 và có mưa dông mạnh, biến động mạnh. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa vừa, có nơi mưa to.

 

Để chủ động đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ:

 

Thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng, tránh. Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, các tỉnh chủ động cấm biển, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn.

 

Chỉ đạo sẵn sàng triển khai phương án đối phó với các tình huống mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhà cửa, kho tàng và các công trình đang thi công; Rà soát khu vực dân cư tại vùng trùng, thấp, ven sông, ven biển, chuẩn bị phương án sơ tán dân để đảm bảo an toàn về người và tài sản;

 

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn./.

 

 

Theo vovnews.vn.

Tệp đính kèm