Ở một quốc gia biển lại để diễn ra tình trạng cứ vào mùa mưa bão, gió chướng nhiều xã đảo, huyện đảo lại bị cô lập với đất liền, lại xảy ra tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men,… thì thật khó chấp nhận.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tạo ra những thảm hoạ thiên tai với tần suất gia tăng và cường độ mạnh đang ngày càng hiện hữu, tác động trực tiếp đến đời sống mọi mặt của con người, từ nông thôn đến thành thị, từ vùng núi đến đồng bằng, hải đảo.
Mấy năm gần đây, thế giới liên tục chứng kiến những siêu bão, siêu lũ, những trận động đất, núi lửa, sóng thần cường độ mạnh, gây ra những thảm hoạ khốc liệt… Chưa bao giờ ở Việt Nam cụm từ “cơn bão lịch sử”, “trận lũ lịch sử”,“triều cường lịch sử”, “đợt rét lịch sử”, “đợt khô hạn lịch sử” lại xuất hiện thường xuyên đến vậy. Và những thiên tai, thảm hoạ mang tính lịch sử, đỉnh cao khốc liệt ấy chưa có điểm dừng. Chưa bao giờ con người cảm thấy sự trả đũa của thiên nhiên ghê gớm đến thế!
Lối nghĩ một thời chống lại thiên tai đang tỏ ra không thực tế. Cần thay đổi lối nghĩ ấy bằng việc nhìn nhận thiên tai như một thực tế hiển nhiên của quy luật tự nhiên, từ đó chủ động phòng tránh.
Trước hết là chủ động khâu dự báo, cảnh báo. Biến đổi khí hậu tạo ra những hiện tượng thiên nhiên, hiện tượng thiên tai bất thường, khôn lường, tần suất ngày càng dày hơn và cường độ ngày càng lớn hơn…Nhưng trong cái bất thường ấy vẫn có những quy luật chung nhất…Tăng cường quan sát, nâng cao khả năng, năng lực dự báo để chủ động phòng tránh, là biện pháp hàng đầu mang lại hiệu quả tích cực nhất.
Về mặt tinh thần, con người sẵn sàng tâm thế chủ động sống chung với biến đổi khí hậu, chủ động phòng tránh, né tránh, giảm bớt hậu quả mà thiên tai mang lại. Tâm thế chủ động sống chung với biến đổi khí hậu còn thể hiện ở chỗ, biết tạo ra những điều kiện để thích nghi với tình trạng thiên tai thường xuyên hơn.
Đã có thời gian dài trước đây chúng ta nhìn nhận hiện tượng lũ hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long như là hiện tượng thiên tai, cho đó là tác nhân gây bất lợi cho đời sống dân sinh, tỏ ra lo lắng khi có lũ lớn và tìm cách xây đê ngăn lũ. Đó là cách nhìn trái tự nhiên. May mắn là chúng ta đã kịp thay đổi tư duy, chủ động chấp nhận lũ, sống chung với lũ, khai thác nguồn lợi mà lũ mang lại.
Lối tư duy thực tiễn và khoa học ấy đã khiến người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long không quay lưng chạy lũ, mà ngày càng có nhiều sáng tạo để thích nghi với môi trường mùa lũ, khai thác lợi thế mà lũ mang lại nhiều hơn là tác hại do lũ gây ra. Những năm gần đây, vào mùa lũ, người dân Đồng bằng sông Cửu Long lại tổ chức lễ hội đón nguồn nước; năm nào lũ về muộn hoặc cường độ lũ kém lại tỏ ra kém vui!
Từng trải qua những trận bão lũ lịch sử, con người khôn ngoan hơn, biết tìm ra những cách thức né tránh bão lũ nhằm giảm nhẹ thiệt hại. Người dân miền biển Quảng Nam có kinh nghiệm hay khi có bão lớn bằng việc làm hầm tránh bão. Người dân nhiều vùng miền núi của tỉnh này, sau những trận lũ lớn những năm trước, giờ đây đã chủ động hơn, với việc chuẩn bị những điểm tránh lũ, tích trữ lương thực thực phẩm phòng lũ cô lập, chia cắt dài ngày...
Sau trận lũ tàn khốc vừa xảy ra ở các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ, nhiều vùng nhân dân đã đề xuất xây dựng nhà tránh lũ ở từng thôn, từng xã; nảy ý tưởng hình thành những liên gia cứu giúp nhau khi có lũ…
Biến đổi khí hậu, thiên tai khốc liệt và bất thường không còn là chuyện xa lạ với tất cả chúng ta. Chủ động các phương án ứng phó với bão lũ, hạn hán luôn là vấn đề có tính thời sự. Thực tế nhiều năm liền, nhiều xã đảo, huyện đảo vùng Đông bắc và Tây Nam đất nước chống chọi với nhiều trận bão lớn và thường bị cô lập với đất liền, xảy ra tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và hàng hoá thiết yếu khác. Câu chuyện ấy năm nay lại diễn ra ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Sau những lần thiên tai chúng ta thường quên nhanh bài học kinh nghiệm đắt giá từ căn bệnh chủ quan này. Bài học từ huyện đảo Lý Sơn năm nay là gì? Vẫn là hai từ "chủ động" và "tại chỗ". Chủ động các phương án sát với tình hình thực tế. Chủ động "tích cốc phòng cơ" tại chỗ. Trung ương có phương án của Trung ương. Tỉnh có phương án của tỉnh. Huyện có phương án của huyện. Xã có phương án của xã… Và từng người dân, từng hộ gia đình phải có phương án cho riêng mình.
Việc dự trữ lương thực thực phẩm và hàng hoá thiết yếu khác phải tính toán dài hơi hơn, cơ bản hơn và chuyên nghiệp hơn. Phải gắn việc phòng tránh, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu với vấn đề an ninh quốc phòng nhằm đảm bảo vùng hải đảo của đất nước ổn định trong mọi tình huống.
Ở một quốc gia biển, một bộ phận dân cư gắn với biển đảo lại để diễn ra tình trạng cứ vào mùa mưa bão, gió chướng nhiều xã đảo, huyện đảo lại bị cô lập với đất liền, lại xảy ra tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men, xăng dầu…thì thật khó chấp nhận.
Phải nhìn nhận biến đổi khí hậu là tất yếu, dù chúng ta không mong muốn, nó vẫn diễn ra. Vấn đề là lựa chọn cách ứng xử thông minh, thân thiện hơn với thiên nhiên; chủ động các điều kiện để thích nghi trước những thay đổi bất lợi; đồng thời tăng cường năng lực phòng tránh để tồn tại, vượt lên thiên tai, hạn chế thảm hoạ./.
Theovovnews.vn.