Cập nhật: 28/11/2010 10:27:55 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi thuộc Trung Trung Bộ gây mưa nhỏ; ở vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật trên cấp 6, biển động. Ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa và mưa nhỏ rải rác. Gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4 - 5. Ở vùng biển ngoài khơi Trung Bộ và Nam Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật trên cấp 6, biển động.

 

Bộ Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn vừa có Chỉ thị số 3919/CT-BNN-TCTL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố theo dõi diễn biến thời tiết để tích nước các hồ chứa, quản lý chặt chẽ nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi, ao, đầm, vùng trũng để chủ động phòng, chống hạn hán, bảo đảm đủ nước cho vụ đông xuân 2010-2011, đồng thời chú trọng việc cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, chăn nuôi, công nghiệp và dịch vụ. Riêng các hồ chứa thủy lợi, Bộ chỉ đạo không được tháo nước hoặc sử dụng chạy máy phát điện nhỏ.

 

Theo Tổng cục Thủy lợi, đến thời điểm này, bình quân các hồ chứa thủy lợi ở Bắc Bộ chỉ đạt dưới 80% mức thiết kế. Trong khi đó, vụ đông xuân 2010-2011 tại các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ cần nước tưới hơn 630 nghìn ha, nguy cơ thiếu nước là rất lớn. Tổng cục chỉ đạo các công ty khai thác  công trình  thủy lợi phối hợp Tập đoàn Ðiện lực chủ động, thống nhất kế hoạch điều hành xả nước vụ đông xuân. Các tỉnh kiểm tra hệ thống thủy lợi và chỉ đạo công tác chuẩn bị chống hạn bảo đảm đủ nước cho sản xuất.

 

Tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các huyện khẩn trương đánh giá nguồn nước trên địa bàn, hồ chứa, chuẩn bị phương án tích nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung thêm 16 tỷ đồng hỗ trợ chống hạn.

 

Tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các ban, ngành và địa phương chủ động nạo vét cửa khẩu các trạm bơm, kênh mương nội đồng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, sử dụng tiết kiệm nguồn nước, gieo trồng các loại cây theo hướng liền vùng, cùng trà, cùng loại cây trồng để chủ động chống hạn và phòng trừ sâu bệnh cho vụ đông xuân 2010-2011.

 

Các công ty thủy lợi trên địa bàn TP Hà Nội đang tu bổ, nạo vét các cửa khẩu của hệ thống kênh mương nội đồng, bể hút nước, sẵn sàng bơm nước vào các kênh tiêu lớn, ao hồ và lắp đặt các trạm bơm dã chiến, chủ động đối phó hạn hán. Ngành nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị thủy lợi quản lý chặt lượng nước tại các hồ, bảo đảm tưới dưỡng cho hơn 60 nghìn ha cây trồng vụ đông và phục vụ đổ ải, gieo mạ, trong vụ đông xuân sắp tới.

 

Vụ lúa đông xuân 2010-2011, tỉnh Trà Vinh dự kiến gieo sạ khoảng 53.000 ha. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã bố trí lịch xuống giống đồng loạt trong ba đợt để tránh hạn, mặn và rầy nâu. Ðến nay, toàn tỉnh đã xuống giống được khoảng 15 nghìn ha, tập trung ở các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú và Càng Long.

 

Tỉnh Kiên Giang có gần 20 nghìn ha lúa mùa gieo cấy luân canh trên đất một vụ tôm một vụ lúa bị chết hàng loạt. Nguyên nhân do lượng mưa ít và mặn xâm nhập. Tỉnh đang lên kế hoạch hỗ trợ kinh phí để nông dân mua thóc giống gieo sạ lại. TP Cần Thơ đang xuống giống 88 nghìn ha lúa đông xuân 2010-2011. Dự báo vụ sản xuất này gặp khó khăn do hạn nặng. Ðể chủ động với diễn biến của thời tiết thành phố sẽ xuống giống toàn bộ diện tích trong tháng 12, trong đó, hơn 60% diện tích xuống giống xong trong tháng 11 nhằm tránh hạn. Ngoài ra, thành phố sẽ hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để bơm tát chống úng đầu vụ, chống hạn cuối vụ và hàng chục tấn lúa giống nguyên chủng cho nhân dân.

 

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có quyết định hỗ trợ dân sinh, sản xuất và khắc phục các công trình hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn trong thời gian qua. Theo đó, mỗi hộ gia đình di dời khỏi khu vực sạt lở núi, vùng bị lũ quét được chuyển đến nơi tái định cư sẽ được giao không thu tiền sử dụng đất một lô đất. Ðồng thời hỗ trợ di chuyển nhà là 10 triệu đồng/hộ đối với hộ ở đồng bằng và 12 triệu đồng/hộ đối với hộ ở miền núi và hải đảo...

 

Theo UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), mưa lớn kéo dài thời gian qua làm trượt mái núi Gọi Kênh, núi Ðồi Pót, núi Ðồi Prây xã Ba Bích với chiều dài hơn 300 m, đe dọa tính mạng 32 hộ dân. Huyện có kế hoạch di dời tạm thời 32 hộ dân này ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.

 

Huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang xây dựng đường tránh lũ nối từ xã Sơn Hiệp đi Thành Sơn, dài khoảng 5 km, để xe tải loại vừa có thể đi được. Trên tuyến này sẽ xây dựng cầu cao bắc qua sông bởi cầu tràn làm cản trở dòng chảy trong mùa lũ, gây xói lở đất nông nghiệp... Trước đó, ngày 1-11, cầu tràn nằm trên tỉnh lộ 9 bắc qua sông Tô Hạp (Khánh Sơn) đã bị nước lũ cuốn trôi, làm gần 6.000 người dân bị chia cắt với trung tâm huyện.

 

Vừa qua, mưa lớn làm nhiều tuyến đường như Ðinh Tiên Hoàng, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Hữu Cảnh, Phan Ðăng Lưu quận Bình Thạnh, Phan Xích Long quận Phú Nhuận... (TP Hồ Chí Minh) bị ngập sâu 0,5 m, gây ách tắc giao thông. Mưa kéo dài kết hợp triều cường làm hỏng hơn 9.000 tấn muối đang dự trữ ở huyện Ðông Hải (Bạc Liêu). Ngoài ra, mưa lũ cũng làm thiệt hại nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, nông dân trong tỉnh đang thiếu lúa giống để gieo sạ lại. UBND tỉnh đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ hơn 33 tỷ đồng giúp nông dân trong tỉnh khắc phục những thiệt hại trên.

 

Ngày 26-11, một tàu cá của ngư dân Nghệ An phát hiện và trục vớt bốn ngư dân Thanh Hóa bị nạn tại tọa độ 19,32 độ vĩ bắc - 106,40 độ kinh đông. Trong đó, hai người đã chết và hai người kiệt sức bám theo tấm xốp nổi trên biển. Trước đó, nhận được tin báo hiệu cấp cứu, chính quyền địa phương và Ðồn Biên phòng 122 điều ba tàu đi cứu nạn.

 

Tỉnh Tuyên Quang vừa tổ chức diễn tập PCCCR và BVR năm 2010. Thông qua cuộc diễn tập, địa phương kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương án PCCCR sát với tình hình thực tế. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng vừa tổ chức diễn tập PCCCR ở Tam Ðảo với khoảng 1.000 người tham gia. Cuộc diễn tập có nhiều mức độ cháy khác nhau, giúp các lực lượng chức năng và nhân dân làm quen với công tác phòng chống cháy rừng.

 

Rà soát quy hoạch củng cố, nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang

 

Ngày 26-11, tại tỉnh Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị thực hiện củng cố, nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang. Việc xây dựng nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang từ năm 2009 đến 2020 với vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau một năm triển khai mới có một dự án hoàn thành. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương rà soát, sắp xếp những khu vực ưu tiên để đầu tư thích hợp; xử lý dứt điểm các đoạn đê xung yếu và những công trình triển khai dàn trải, kém hiệu quả...

 

 

 

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm