Theo Thông tư của Bộ Công an, bắt đầu từ hôm nay 29/11, người tham gia giao thông vi phạm luật giao thông ngoài việc bị xử phạt hành chính sẽ bị gửi giấy báo về cơ quan. Việc này nhằm mục đích răn đe, giáo dục người vi phạm.
Theo Thông tư trên, người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông sẽ bị thông báo bằng văn bản đến công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú, công tác, học tập để theo dõi, kiểm điểm, giáo dục hoặc được gửi đến các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, giáo dục chung. Nơi nhận thông báo có trách nhiệm báo lại cho cơ quan đã ra thông báo vi phạm theo phiếu báo.
Các trường hợp phải thông báo vi phạm gồm: người vi phạm pháp luật trật tự ATGT, ngoài hình thức phạt tiền còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung; người vi phạm không có giấy phép điều khiển phương tiện hợp lệ; trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng về vụ tai nạn giao thông (TNGT); lợi dụng TNGT để xâm phạm sức khoẻ, tài sản người bị nạn; cản trở việc điều tra, kiểm soát của người thi hành công vụ…
Công an xã, phường, thị trấn khi nhận được thông báo này phải vào sổ theo dõi, thông báo đến tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn nơi cư trú của người vi phạm, đến cơ quan, trường học nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên.
Trao đổi với VnMedia, đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát đường bộ, sắt (Bộ Công an) cho biết, việc gửi thông báo về địa phương, cơ quan làm việc nhằm mục đích răn đe, giáo dục. Còn việc kỷ luật như thế nào, có lưu vào hồ sơ cán bộ, học sinh, sinh viên… hay không là tùy từng đơn vị cụ thể.
“Việc gửi thông báo sẽ làm cho nhiều người biết anh vi phạm giao thông thì chắc chắn người vi phạm sẽ cảm thấy “nhột” để ý thức hơn mỗi khi tham gia giao thông. Thử hỏi anh vào cơ quan mà thường xuyên bị gửi thông báo vi phạm về cơ quan, chắc chắn cũng cảm thấy xấu hổ. Cách làm này, nhất định sẽ có tác dụng tích cực tới ý thức người tham gia giao thông”, đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát đường bộ, sắt cho biết.
Theo VnMedia