Cập nhật: 22/12/2010 15:28:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý gia hạn thời gian thực hiện Dự án 'Phòng, chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam' từ ngày 31-12-2010 đến ngày 30-6-2011.

Hiệp định tài trợ cho Dự án trên đã được ký với Ngân hàng thế giới (WB) vào tháng 4-2007, triển khai ở nhiều tỉnh Thái Bình, Lạng Sơn, Bình Ðịnh, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Long An, Ðồng Tháp, Thanh Hóa, Tây Ninh, Hà Tĩnh... Mục tiêu của Dự án là giảm rủi ro sức khỏe đến đàn gia cầm và con người thông qua khống chế mầm bệnh tận gốc trong đàn gia cầm, bằng việc thực hiện và ứng phó kịp thời với các ca bệnh ở người, đồng thời chuẩn bị để ứng phó với khả năng xảy ra đại dịch ở người.

 

Tỉnh Vĩnh Phúc đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Từ đầu mùa lạnh đến nay trên địa bàn tỉnh có 57.654 con gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh, trong đó đã có 9.121 con gia súc, gia cầm chết. Chi cục Thú y tỉnh đã phân bổ hơn 490.660 nghìn liều vắc-xin tiêm phòng gia súc, gia cầm cho các trạm thú y địa phương để tiêm tại các điểm chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong đó tại các trang trại chăn nuôi, công tác tiêm phòng hằng năm đã đạt 100%; các điểm chăn nuôi nhỏ cũng tiêm phòng xong trước tháng 12.

 

Tại tỉnh Yên Bái, dịch lở mồm, long móng (LMLM) trên đàn gia súc ở huyện Mù Cang Chải đã lan ra năm xã, làm 483 con gia súc nhiễm bệnh. Chi cục Thú y tỉnh đã tăng cường lực lượng cán bộ phối hợp Trạm Thú y huyện tiến hành tiêm 15 nghìn liều vắc-xin phòng bệnh LMLM, sử dụng 620 lít thuốc phun khử trùng tiêu độc các ổ dịch trong vùng có dịch và các xã lân cận, đồng thời áp dụng các biện pháp dập dịch.

 

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lùn sọc đen hại lúa. Trong vụ hè thu, toàn tỉnh có hơn 1.100 ha bệnh lùn sọc đen. Ngành nông nghiệp chỉ đạo các ban, ngành liên quan, phối hợp các huyện tổ chức vận động, hướng dẫn nông dân phát hiện và xử lý rầy các loại, mầm bệnh trong đồng ruộng. Chi cục BVTV phát huy hệ thống bẫy đèn, theo dõi số lượng rầy vào bẫy để có đánh giá, dự tính, dự báo về tình hình, mật độ sâu bệnh và có biện pháp đối phó hiệu quả.

 

Tỉnh Ðồng Tháp đã xuống giống vụ lúa đông xuân được hơn 176 nghìn ha, đạt hơn 86% kế hoạch, nhưng hiện có hơn 8.000 ha nhiễm rầy nâu, sâu cuốn lá và bệnh đạo ôn; trong đó nhiễm rầy nâu hơn 3.000 ha, với mật độ từ 2.000 đến 3.000 con/m2, riêng sâu cuốn lá gây hại nặng 200 ha, mật độ 120-250 con/m2. Ngành BVTV khuyến cáo nông dân theo dõi diễn biến rầy di trú trên ruộng để đưa nước vào che chắn kịp thời và rút cạn nước ngay sau khi mật độ rầy di trú giảm; xuống giống tập trung, đồng loạt và dứt điểm vào cuối tháng 12, nhằm bảo đảm lịch thời vụ và hạn chế lúa non bị rầy di trú.

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm