Cập nhật: 04/01/2011 16:15:06 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong những năm vừa qua, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững vùng dân tộc và miền núi. Nhiều chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo được ban hành đã góp phần quan trọng trong việc phát triển KT- XH. Tuy nhiên, tốc độ giảm nghèo của các khu vực này còn chậm hơn nhiều so với tốc độ bình quân của cả nước, việc hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng chưa đồng đều…

Những kết quả bước đầu...

 

Thông qua việc thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ nghèo chung của cả nước đã giảm từ 58,1% trong năm 1993 xuống dưới 12% năm 2009. Trong đó, tỷ lệ nghèo ở vùng dân tộc, miền núi cũng giảm từ 86% năm 1993 xuống còn khoảng 31,2% năm 2009 và dự kiến năm 2010 còn 28,8%. Để có được những kết quả này, phải kể đến những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam cũng như sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình Mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo. Các chương trình, chính sách khá toàn diện, bao trùm tất cả các lĩnh vực, khía cạnh của đời sống xã hội như Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006 - 2010, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, Chính sách hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn... Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ nghèo ở vùng dân tộc, miền núi vẫn còn cao gấp hơn 2,5 lần so với trung bình của cả nước; thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ bằng khoảng 1/3 so với mức thu nhập trung bình của cả nước. Theo ước tính, khi chuẩn nghèo 400.000/người/tháng được áp dụng từ năm 2011, tỷ lệ nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn sẽ tăng lên 60%, thậm chí một số nơi còn lên tới 70 - 75%.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, có sự trùng lặp về nội dung của các dự án giảm nghèo. Hiện nay, trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi có tới trên 50 "đầu" chính sách giảm nghèo và liên quan đến giảm nghèo, với khoảng hơn 200 văn bản pháp lý, trung bình mỗi xã đang triển khai khoảng 20-30 chính sách. Tuy có nhiều chính sách nhưng với mức đầu tư thấp, thiếu tập trung, nên hiệu quả tác động giảm nghèo còn thiếu bền vững, chưa tạo ra đột phá. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách giảm nghèo còn chưa khuyến khích được quyết tâm vươn lên thoát nghèo của các địa phương nghèo. Tâm lý chung của họ là vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

Cần một tư duy, tiếp cận mới

 

Tại Hội thảo Giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức vừa qua, điều phối viên thường trực của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam John Hendra nhận định, nhìn về tổng thế, người dân các dân tộc thiểu số phải đối mặt với những rào cản đáng kể trong việc tham gia vào quá trình phát triển cũng như hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng kinh tế. Và như vậy, nếu vấn đề này không được giải quyết sẽ tiếp tục khiến họ không thể thoát khỏi tình trạng nghèo và thiếu thốn về nhiều mặt. Còn theo đánh giá của Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc, Ủy ban Dân tộc Trần Văn Thuật, chính sách giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi nên thiết kế theo hướng tiếp cận tổng hợp và đa chiều để có những giải pháp can thiệp phù hợp và hiệu quả hơn. Còn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K'sor Phước thì khẳng định: phải đổi mới tư duy nhận thức về xây dựng chương trình, kế hoạch xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2020, trong đó có tiếp thu, kế thừa một số nội dung, chứ không nên rập khuôn theo cơ chế quản lý của giai đoạn trước đây.

 

Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, ngoài những tồn tại và hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, phải tìm ra những nguyên nhân và giải pháp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo từ khâu hoạch định chính sách, xây dựng, thiết kế các chương trình giảm nghèo… Và điều quan trọng hơn là cần có cách tiếp cận mới trong việc xóa đói giảm nghèo để bảo đảm các chương trình hỗ trợ được triển khai một cách hiệu quả hơn.

 

Tại Việt Nam, tình trạng nghèo đói còn khá đa dạng giữa các nhóm dân tộc khác nhau. Vì vậy, phải có những giải pháp mục tiêu phù hợp với từng vùng để có thể tiếp tục giảm nghèo và phát triển đồng bộ KT - XH, cũng như sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính; đặc biệt phải tìm ra cách giám sát chặt chẽ, tổng kết đánh giá một cách bài bản với các chương trình hỗ trợ giảm nghèo đối với các vùng dân tộc miền núi.

 

 

 

Theo Báo điện tử người ĐBND

Tệp đính kèm