Biến đổi khí hậu không còn chỉ là cảnh báo mà đã và đang tác động trực tiếp đến cuộc sống của toàn nhân loại
Chiều 5/4, Hội nghị khung về biến đổi khí hậu lần thứ 2 chính thức khai mạc tại Bangkok, Thái Lan. Trước đó, nhiều cuộc hội thảo trong khuôn khổ Hội nghị đã được tổ chức từ ngày 3/4, để thảo luận về các mục tiêu cắt giảm khí thải và đưa ra các kế hoạch hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo trong vấn đề biến đổi khí hậu.
LHQ cho biết, có khoảng hơn 2.270 đại biểu của 175 quốc gia tham dự Hội nghị, trong đó 1.417 là quan chức Chính phủ. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 4/4, người đứng đầu Ban Thư kí LHQ về chống biến đổi khí hậu Christiana Figueres nhấn mạnh, với kết quả khá khiêm tốn đạt được tại Hội nghị Cancun (Mexico) năm 2010, Hội nghị 2011 tại Bangkok hi vọng đạt được nhiều tiến bộ mới.
Đây là cuộc gặp đầu tiên của các nước tham gia Hiệp định khung của LHQ về biến đổi khí hậu kể từ sau hội nghị Cancun. Hội nghị lần này diễn ra đúng vào thời điểm Thái Lan và Nhật Bản đang đối phó với thảm họa thiên tai tồi tệ nhất từ trước tới nay.
Trưởng Đoàn đàm phán về biến đổi khí hậu của Thái Lan khẳng định, biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng lũ lụt chưa từng có ở các tỉnh miền Nam Thái Lan. Thảm họa động đất gây sóng thần kinh hoàng vừa qua tại Nhật Bản cũng cho thế giới thấy rằng, biến đổi khí hậu không còn chỉ là cảnh báo mà đã và đang tác động trực tiếp đến cuộc sống của toàn nhân loại. Diễn ra trong bối cảnh này, Hội nghị được hi vọng sẽ củng cố thêm nỗ lực ứng phó chung với biến đổi khí hậu của các nước trên toàn thế giới.
Bà Rex Varona, một nhà hoạt động môi trường nói: “Chúng tôi yêu cầu các cuộc đàm phán của LHQ cần phải công bằng và minh bạch. Các nước cần phải cắt giảm khí thải một cách nghiêm túc ngay bây giờ. Nếu không, tình hình sẽ trầm trọng hơn và có nhiều người sẽ bị ảnh hưởng hơn”.
Bất đồng lớn nhất giữa các nước giàu và nước nghèo hiện vẫn là việc đi đến một hiệp ước mới có giá trị pháp lý để thay thế Nghị định thư Kyoto, ra đời năm 1997 và sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.
Cản trở lớn nhất để có thể ra đời một hiệp ước mới về biến đổi khí hậu là khi các quốc gia phê chuẩn Nghị định thư Kyoto phải cắt giảm lượng khí phát thải trong một nỗ lực chung nhằm làm giảm độ nóng lên của Trái đất thì Mỹ và Trung Quốc, 2 cường quốc có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao nhất thế giới, lại vẫn đứng ngoài cuộc./.
**Ngày 4/4, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đang gây ra khủng hoảng lương thực trầm trọng tại các nước ở châu Phi.
Bà Josette Sheeran, Giám đốc điều hành WFP, cho biết các diễn biến thời tiết bất thường tại các quốc gia châu Phi đã và đang tác động ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình canh tác và thu hoạch cây lương thực. Biến đổi thời tiết khiến cho sản lượng cây lương thực giảm sút, ảnh hưởng tới an ninh lương thực tại khu vực.
Hơn nữa, giá lương thực toàn cầu đang ở mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây khiến cho nạn đói tại một số quốc gia châu Phi sẽ trở lên trầm trọng hơn.
WFP dự báo số lượng người thiếu lương thực tại châu Phi sẽ tăng lên 1,4 triệu người so với trước đây./.
Theo VOVNEWS