Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, trong gần bốn tháng qua, nền nhiệt độ ở phía Ðông Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến thấp hơn so trung bình nhiều năm.
Riêng trong tháng 1, nền nhiệt độ trung bình ở các tỉnh miền bắc thấp hơn khá nhiều, phổ biến từ 2,5 đến 3,5 độ C; một số nơi phía Ðông Bắc Bộ thấp hơn tới 4 độ C.
Ðến tháng 3, không khí lạnh vẫn còn hoạt động khá mạnh và gây ra hai đợt rét đậm, rét hại nên nền nhiệt độ các tỉnh miền bắc tiếp tục thấp hơn nhiều so trung bình nhiều năm, từ 3 đến 4 độ C.
Chủ động làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng, tỉnh Nghệ An quyết định sẽ quy trách nhiệm lãnh đạo các địa phương nếu để xảy ra cháy rừng. Tại các địa phương, nếu xảy ra cháy rừng, Chủ tịch UBND cấp huyện (hoặc người được ủy quyền) là tổng chỉ huy điều động lực lượng chữa cháy rừng; thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống cháy rừng tỉnh làm nhiệm vụ tư vấn cho huyện trong việc phòng, chống cháy rừng. Hiện, kiểm lâm tỉnh duy trì lực lượng thường trực, chốt chặn,kiểm soát chặt những người ra vào rừng đối với những khu vực rừng được xác định là có nguy cơ cháy cao. Ðó là rừng thông ở các huyện Nam Ðàn, Nghi Lộc; rừng trồng, rừng sản xuất, rừng nguyên sinh ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông... Trong tuần qua, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra hai vụ cháy rừng trên lâm phần U Minh hạ tại xã Khánh An (U Minh) và Phân trường Trần Văn Thời thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời gây thiệt hại 0,81 ha đất lâm nghiệp. Tỉnh Cà Mau chỉ đạo cho ngành chức năng phối hợp với các đơn vị quản lý rừng và hai huyện có rừng tràm tăng cường lực lượng bảo vệ rừng, rà soát các khâu chuẩn bị sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng theo phương châm 'bốn tại chỗ', kịp thời ứng phó, dập tắt nhanh khi xảy ra cháy rừng, đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống cháy rừng trong cư dân và bố trí trực chiến 24/24 giờ tại những điểm nóng, khu vực nhạy cảm dễ xảy ra cháy.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kế hoạch lấp dòng hồ chứa Nước Trong (Quảng Ngãi) sẽ thực hiện vào cuối tháng 4. Ðây là công trình cấp bách vượt lũ trong năm 2011. Ðến thời điểm này, đập bê-tông, đập đất và các khoang đập đều đã đạt đến cao trình bảo đảm cho việc lấp dòng. Hiện tại, mực nước ở công trình đập tràn đã đạt cao trình 94,4 m, khi lấp dòng thi công thì mực nước cao nhất trong lòng hồ là 108 m. Ðến nay đã có 117/465 hộ dân nằm trong lòng hồ đã được di dời đến nơi tái định cư, số hộ còn lại sẽ được tiếp tục di dời theo mốc cao trình bị ảnh hưởng ngập nước.
Kết quả kiểm tra của Ðoàn điều tra quy hoạch tài nguyên nước 704 (Liên đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền trung) cho biết, tại Ðác Lắc, nguồn nước ngầm tại khu đông dân cư sinh sống như TP Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, những vùng phát triển trồng cây công nghiệp tập trung ở các huyện Cư M'gar, Cư Kuin, Krông Păk, Krông Buk đã có sự nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật. Trong địa bàn gần Cụm công nghiệp Tân An (TP Buôn Ma Thuột) đã bị ô nhiễm nguồn nước từ chất thải công nghiệp. Ðoàn 704 đã đề xuất ý kiến về việc quản lý và khai thác nước ngầm hợp lý nhằm bảo đảm sự cân bằng nước. Trong đó, phải ngăn chặn việc khoan giếng lấy nước tưới cà-phê tràn lan gây sụt giảm và gây ô nhiễm nguồn nước; phải quy hoạch và xây dựng hồ chứa nước mưa với trữ lượng lớn; đồng thời thực hiện các lỗ khoan sâu dẫn nước vào lòng đất để bổ sung cho lượng nước ngầm đã khai thác.
Nhằm đối phó với hạn và nhiễm mặn trong thời gian 5 đến 6 tháng gây rất nhiều khó khăn cho người dân, tỉnh Tiền Giang vừa đầu tư hơn 22 tỷ đồng xây dựng công trình ao chứa có trữ lượng 150.000 m3 nước ngọt và hệ thống truyền tải dài 24 km đưa nước ngọt từ ao chứa tại xã Tân Thới về các trạm cấp nước ở Phú Thạnh và Phú Ðông cấp cho dân các xã: Phú Thạnh, Phú Ðông, Phú Tân trên cù lao Lợi Quan thuộc huyện đảo Tân Phú Ðông.
Trước tình hình dịch bệnh trên tôm sú và nghêu ở đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ lan rộng, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức ba đoàn công tác về các tỉnh ÐBSCL kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân tôm sú và nghêu bị chết hàng loạt, nhằm hỗ trợ địa phương và người dân khống chế dịch bệnh. Ðồng thời cân nhắc việc công bố dịch bệnh trên tôm để khoanh vùng dập dịch và đề xuất các chính sách hỗ trợ người nuôi sớm khôi phục diện tích trở lại. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay, bệnh vi bào tử đã gây bệnh cho gần 2.500 ha tôm sú, trong đó phần lớn diện tích tôm nhiễm bệnh hoàn toàn, làm thiệt hại kinh tế khá lớn. Nhằm hạn chế tình trạng tôm chết trên diện rộng, Sở Nông nghiệp chỉ đạo Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư xuống tận hộ dân hướng dẫn bà con cách phòng bệnh, khắc phục, cải tạo lại ao đầm, lựa chọn thời điểm thích hợp thả nuôi lại.
Tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương tập trung thu hoạch trà lúa đông xuân cuối vụ; chăm sóc diện tích lúa hè thu sớm đã xuống giống được gần 50 nghìn ha; tranh thủ các điều kiện để chuẩn bị khâu làm đất, chờ mưa xuống sẽ gieo sạ vụ hè thu chính vụ vào tháng 5 tới. Các vùng trọng điểm lúa tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa ở những vùng nuôi trồng không hiệu quả, nhất là những vùng tôm - lúa đang bị thiệt hại ở các huyện Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu. Phấn đấu đạt sản lượng lúa cả năm đạt hai triệu tấn.
Theo Nhandan Online