Ngày 19/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011-2020. Theo đó, mục tiêu cụ thể được đặt ra là tăng 3,5 lần thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm, riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo từng giai đoạn.
Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu cải thiện rõ rệt điều kiện sống của người nghèo, trước hết là về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở; người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như: giao thông, điện, nước sinh hoạt.
Theo Nghị quyết, để thực hiện giảm nghèo, nhiều giải pháp sẽ được thực hiện.
Cụ thể, người nghèo sẽ được hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập bằng cách: tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi với hộ nghèo, nhất là hộ có người khuyết tật, chủ hộ là phụ nữ.
Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở trường, lớp học, thiết bị, đào tạo giáo viên dạy nghề; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo. Mở rộng diện áp dụng chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động đối với lao động nghèo trên cả nước.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn, miền núi để cải thiện nhà ở, ưu tiên hộ nghèo có người cao tuổi, người khuyết tật.
Ngoài ra, hộ nghèo, người nghèo cũng được hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, y tế và dinh dưỡng, tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý...
Về các chính sách hỗ trợ đặc thù, Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, hộ nghèo, người nghèo dân tộc thiểu số; sinh sống ở huyện nghèo, xã nghèo và thôn nghèo, bản đặc biệt khó khăn được áp dụng chính sách ưu đãi cao hơn về mức đầu tư, hỗ trợ về lãi suất; xây dựng chính sách học bổng cho con em hộ nghèo dân tộc thiểu số ở các địa bàn đặc biệt khó khăn học đại học; xây dựng dự án bảo tồn đối với các nhóm dân tộc ít người, dự án định canh, định cư để hỗ trợ người dân ở các địa bàn đặc biệt khó khăn (núi đá, lũ quét, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai)...
Nghị quyết cũng nêu rõ, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và các chương trình khác phải tập trung các hoạt động và nguồn lực ưu tiên đầu tư trước hết cho các huyện nghèo, xã nghèo để đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo ở các địa bàn này.
Những năm qua, việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và các chương trình giảm nghèo đã tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản; cơ sở hạ tầng của các huyện, xã nghèo được tăng cường; đời sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010. Thành tựu giảm nghèo của nước ta thời gian qua được cộng đồng và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao./
Theo Báo điện tử ĐCSVN