Cập nhật: 24/05/2011 16:32:35 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm dự báo khí tượng - thủy văn T.Ư, chiều 23-5, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các nơi ở Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh 14m/s (cấp 7), giật 17m/s (cấp 7). Biển động mạnh.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp nên ở Bắc Bộ đã có mưa, mưa vừa đến mưa to và dông. Vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Khu vực phía bắc Biển Ðông có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

 

Theo Ðài khí tượng thủy văn đồng bằng Bắc Bộ, đợt gió mùa vừa tràn về miền bắc có cường độ khá mạnh, gây mưa lớn diện rộng và làm nhiệt độ các tỉnh miền núi giảm sâu. Sáng sớm 23-5, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) chỉ 13oC, Sa Pa (Lào Cai) 15oC, nhiều tỉnh đồng bằng 21 đến 22oC, thời tiết mát mẻ. Dự báo, khoảng trong hai ngày 26 và 27-5 sẽ có một đợt không khí lạnh mới ảnh hưởng tới thời tiết miền bắc nước ta.

 

Chiều tối 22-5, mưa giông, lốc xoáy kèm theo sét đánh liên tục trong hơn một giờ trên diện rộng tại địa bàn các huyện Ðại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Quế Sơn, Hội An, Hiệp Ðức (Quảng Nam) gây thiệt hại nặng nề, làm chết tại chỗ hai người và ba người khác bị thương nặng. Thống kê ban đầu, đã có hàng chục ngôi nhà tại các huyện bị sập hoàn toàn và tốc mái. Chính quyền các huyện đã cử cán bộ thăm hỏi và hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả đợt mưa và lốc xoáy.

 

Thông tin từ UBND xã Ea Bar, huyện Sông Hinh (Phú Yên), ngày 22-5, cơn mưa giông lớn kèm theo lốc xoáy đã quét qua khu tái định cư xã Ea Bar, đánh sập và làm tốc mái hơn chục ngôi nhà mái ngói, vách gỗ; làm hư hỏng nhiều tài sản của nhân dân. Các lực lượng xung kích của xã đang phối hợp nhân dân khắc phục hậu quả sau lốc xoáy.Trận mưa tối ngày 22-5 làm cho khu vực hầm đường bộ trên Ðại lộ Thăng Long (thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Ðức và xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) ngập chìm trong biển nước. Ðể khắc phục sự cố này, đơn vị thi công đã lắp hai máy bơm nước, nhưng đến 10 giờ sáng 23-5, có nơi trên đường vẫn ngập sâu từ 30 đến 40 cm. Khu vực đường hầm số 9 thuộc xã An Khánh ngập sâu khiến nhiều ô-tô, xe máy không đi qua được.

 

Bộ Công an đã xây dựng chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai bão lụt. Ngay từ năm 2011, ngành công an sẽ tăng cường đào tạo, huấn luyện lực lượng chuyên sâu, thích ứng việc phòng, chống các loại thiên tai, trang bị phương tiện chuyên ngành cho các lực lượng Phòng cháy chữa cháy, Cảnh sát bảo vệ, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm... để chủ động PCLB.

 

UBND tỉnh Quảng Trị vừa quyết định hỗ trợ cho hộ gia đình có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy do mắc bệnh với mức hỗ trợ 40 nghìn đồng/kg lợn nái; 60 nghìn đồng/kg lợn sữa; 35 nghìn đồng/kg lợn thịt và 60 nghìn đồng/con gia cầm. Trường hợp gia cầm nuôi dưới 10 ngày, hỗ trợ 10 nghìn đồng/con.

 

Tỉnh Trà Vinh xuất hiện tình trạng tôm sú nuôi bị chết hàng loạt và có chiều hướng lan rộng. Theo thống kê ban đầu, hiện có khoảng 2.600 hộ bị thiệt hại khoảng 200 triệu con giống. Vụ nuôi tôm sú năm nay, tỉnh Trà Vinh dự kiến nuôi khoảng hai tỷ con tôm sú giống trên diện tích 25.300 ha ở vùng ngập mặn ven biển. Ðến nay, toàn tỉnh thả nuôi được khoảng 1,4 tỷ con tôm sú giống trên diện tích gần 19 nghìn ha.

 

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm