Cập nhật: 15/06/2011 15:55:40 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau hơn 10 năm nước ta thực hiện Công ước 138 về Tuổi tối thiểu được phép lao động và Công ước số 182 về Cấm và hành động ngay lập tức để xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, đến nay các chính sách, chương trình can thiệp, trợ giúp nhằm đưa trẻ em ra khỏi những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống. Các em đã được đến trường học, tiếp cận với các dịch vụ y tế, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm…

Tuy nhiên, việc giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hiện vẫn còn là thách thức lớn.

25.000 trẻ em phải lao động nặng nhọc

 

Mặc dù luật pháp quy định, cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi, nhưng hiện trẻ em vẫn phải chia sẻ gánh nặng công việc và trách nhiệm gia đình ở cả nông thôn và thành thị. Theo kết quả nghiên cứu gần đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tình hình lao động trẻ em tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Ninh cho thấy, lao động trẻ em vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi. Thời gian làm việc của các em bình quân khoảng 4-5 giờ/ngày. Đối với một số ngành như dệt may, giày da, chế biến thực phẩm, nhất là khi vào vụ sản xuất, thời gian làm việc em có thể kéo dài lên đến 8-9 giờ/ngày. Ngoài ra, số lao động trẻ em, nhất là trẻ di cư từ các tỉnh nghèo lên thành phố phải làm thuê cũng là con số không nhỏ. Các em phải chịu thiệt thòi bởi người sử dụng lao động thường coi việc tuyển dụng lao động trẻ em là sự tận dụng nguồn nhân công rẻ mạt, không phải ràng buộc bằng hợp đồng lao động, không phải thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội cũng như nhiều nghĩa vụ khác. Đã có một số trường hợp, các em không được nhận đủ số tiền công hoặc thường xuyên bị chủ chửi bới, thậm chí bị đánh đập… Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, mức độ xử lý các đối tượng lạm dụng sức lao động ở trẻ em và bạo hành trẻ em vẫn còn quá nhẹ. Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dân số, gia đình nêu rõ, việc sử dụng lao động trẻ em quá 7 giờ làm việc/ngày sẽ bị phạt tiền từ 1-5 triệu đồng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, hầu hết những người sử dụng lao động trẻ em đều cố tình không biết đến quy định này.

 

Trên thế giới còn 115 triệu trẻ em đang phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm trong đó có khoảng 25.000 trẻ em Việt Nam. Đáng lẽ các em phải cần nhiều chính sách quan tâm đặc biệt, bởi các em là những người dễ bị lạm dụng tại nơi làm việc, dễ gặp phải bệnh tật, tai nạn thương tích liên quan đến việc làm nhất. Bên cạnh đó, các em cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự hạn chế về giáo dục.

 

Đưa 5.000 trẻ em ra khỏi tình trạng lao động nặng nhọc

 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một trong những tổ chức tham gia rất sớm trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là bảo về quyền lợi cho trẻ em trong đó có quyền lợi của lao động chưa thành niên. Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết, đã triển khai các hoạt động, nổi bật là công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về lao động trẻ em,  phòng chống lao động trẻ em, cảnh báo lao động trẻ em lao động độc hại; tham gia kiểm tra, giám sát pháp luật lao động trong đó chú trọng những quy định riêng đối với lao động chưa thành viên; phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tiến hành các chương trình phòng, chống lao động trẻ em, phòng ngừa trẻ em tại một số địa phương…

 

ILO trong những năm qua đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng những sáng kiến, chính sách phù hợp về lao động trẻ em và nâng cao năng lực về xóa bỏ lao động trẻ em tại Việt Nam. Dự án Lao động trẻ em của ILO được triển khai từ tháng 3.2010 nhằm hỗ trợ xây dựng, thực hiện chương trình quốc gia về xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động ngăn ngừa và tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em tại Việt Nam. Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Rie Vejs-Kjeldgaard chia sẻ, ưu tiên hàng đầu hiện nay là tiếp tục nâng cao năng lực ở cấp quốc gia trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đã được phê duyệt và để bảo đảm mọi trẻ em được đến trường và hưởng các các dịch vụ xã hội. Cũng trong thời gian tới, Cục trưởng Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em Nguyễn Hải Hữu khẳng định, sẽ tập trung hoàn thiện một số chính sách, pháp luật; hình thành các mô hình thiết thực nơi có nhiều trẻ em tại một số tỉnh, thành phố, dự kiến đưa 5.000 em ra khỏi tình trạng lao động nặng nhọc; tiếp tục tập trung truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về lao động trẻ em.

 

Vấn đề lao động trẻ em không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Việc ngăn ngừa, giải quyết vấn đề lao động trẻ em đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể về xóa bỏ lao động trẻ em và sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng trong nước và quốc tế. Nhưng điểm cốt lõi nằm ở nhận thức của cộng đồng xã hội, đặc biệt là gia đình, người sử dụng lao động và chính quyền địa phương.

 

Đã đến lúc tất cả chúng ta phải suy nghĩ đến việc trẻ em bị buộc phải lao động nặng nhọc trước tuổi lao động. Thiết nghĩ, vấn đề hỗ trợ các em nghèo trong cuộc mưu sinh, hỗ trợ các em học nghề để vừa học vừa làm là rất cần đặt ra và giải quyết tại từng địa phương.

 

 

Theo Vi Hoa Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm