Cập nhật: 19/07/2012 17:23:25 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 22/2012/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Quyết định số 63/2010/QÐ-TTg và Quyết định số 65/2011/QÐ-TTg (sửa đổi Quyết định 63) của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

Như vậy, các văn bản pháp lý đã đủ, từ chủ trương, chính sách, đến hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khoảng cách từ chính sách đến cuộc sống vẫn còn khá xa.

 

Thiếu vốn nhưng quyết không vay!

 

Ðầu năm 2012, Ðoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đưa ra thông tin đáng chú ý là, sau hai năm triển khai thực hiện, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước chưa có cá nhân, tổ chức nào vay vốn theo Quyết định 63 về hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch. Ðây là một nghịch lý, bởi lẽ nhà nông luôn thiếu vốn cho sản xuất, nhất là vốn mua các loại máy móc hiện đại nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên do không nằm ở phía người dân mà thuộc về chính sách. Theo quy định tại Quyết định số 63/2010/QÐ-TTg, máy móc, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ phải có giá trị sản xuất trong nước lớn hơn 60%. Ðây là rào cản lớn đối với nông dân vì phần lớn máy móc sản xuất trong nước không đáp ứng được yêu cầu chất lượng. Kết quả là tại một số địa phương người dân đã lựa chọn phương án cùng góp vốn mua máy do nước ngoài sản xuất như ý muốn chứ không vay nguồn hỗ trợ lãi suất để mua máy sản xuất trong nước. Ngoài ra, chính sách cũng làm khó các hộ nông dân có nhu cầu vốn đầu tư lớn để làm dịch vụ như sấy lúa với công suất lớn, mua nhiều máy để làm dịch vụ thu hoạch với quy định không được sử dụng tài sản hình thành từ nguồn vốn vay để thế chấp. Bên cạnh đó, các thủ tục để được vay vốn cũng nhiêu khê và phức tạp, như cần lập bộ hồ sơ trong đó có hóa đơn máy móc, thiết bị với mức thuế VAT phải đóng là 10%, cộng với các chi phí khác trong quá trình tiếp cận nguồn vốn vay. Như vậy, mức hỗ trợ lãi suất không cao, cho nên người dân không mặn mà vay vốn cũng là điều dễ hiểu. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, tính  đến ngày 20-4-2012, mới cho 1.671 khách hàng vay với tổng dư nợ chỉ đạt 760,514 tỷ đồng. Trước tình trạng đó, nhiều địa phương tự đề ra  chính sách riêng nhằm hỗ trợ vốn vay cho nông dân. Tại Hà Tĩnh, tỉnh đã đưa nội dung hỗ trợ lãi suất mua máy móc sản xuất vào Quyết định 26/2012/QÐ-UBND về hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tỉnh hỗ trợ cho khách hàng vay vốn để đầu tư các thiết bị máy móc nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch nhưng không ràng buộc về nhãn hàng hóa và giá trị sản xuất trong nước. Với chính sách riêng, đến thời điểm này, huyện Can Lộc có 30 máy gặt đập liên hợp thì chỉ có tiền vay mua bốn máy theo vốn hỗ trợ lãi suất của Quyết định 63. Còn xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, hai năm gần đây trang bị bảy máy gặt đập liên hợp nhưng không có máy nào được mua theo mức hỗ trợ lãi suất của Quyết định 63. Không chỉ riêng Hà Tĩnh, một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long cũng phải có cơ chế riêng hỗ trợ nông dân mua máy ngoại bằng ngân sách địa phương. Tại Cần Thơ, UBND thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 29/2011/QÐ-UBND về chính sách thí điểm hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2012, trong đó thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng mua 200 máy gặt đập liên hợp và 50 máy kéo với lãi suất cho vay không phụ thuộc vào tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm.

 

Rõ ràng, so với Quyết định 63 và Quyết định 65, các chính sách riêng của mỗi địa phương có sức hấp dẫn và hỗ trợ nông dân một cách thiết thực hơn. Tuy nhiên không phải tỉnh, thành phố nào cũng thực hiện được vì nguồn ngân sách có hạn, nhất là với các tỉnh thuần nông.

 

Hợp lý hóa chính sách từ thực tế

 

Nhận định về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định 63, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long Lê Văn Bảnh cho rằng: Mọi chính sách đều phải được kiểm nghiệm qua thực tế. Hỗ trợ lãi suất mua máy móc giảm tổn thất sau thu hoạch là một chính sách đúng đắn và hợp lòng dân, rất cần thiết đối với nền nông nghiệp nước ta hiện nay. Nhưng sau hai năm triển khai, thực tế đã chứng minh, chính sách thiếu tính khả thi và chưa tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tham gia. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận thấy những khó khăn, vướng mắc trong thực tế cho vay theo Quyết định 63 cho nên mới đây đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số quy định của các Quyết định 63/2010/QÐ-TTg và 65/2011/QÐ-TTg, tập trung vào hai nội dung chính. Ðó là tổ chức hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu đầu tư một số loại máy móc, thiết bị nhập khẩu mà trong nước chưa có khả năng đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng, ngoài danh mục, được hưởng mức vay bằng 70% giá trị hàng hóa, ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% lãi suất trong hai năm đầu, từ năm thứ ba là 35% lãi suất.

 

Hiện nay, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp trung bình trên cả nước là 12 đến 13%, tập trung chủ yếu ở các ngành kinh tế nông nghiệp mũi nhọn. Tính riêng trong ngành thủy sản, mức độ tổn thất lên tới 20 đến 30%. Theo Tổng cục Thủy sản, mỗi năm cả nước mất khoảng 400 nghìn tấn hải sản, tương đương gần 800 nghìn tỷ đồng do thiếu điều kiện bảo quản sản phẩm sau khai thác. Cũng do thiếu máy móc, thiết bị làm sạch, sấy khô lúa, kho dự trữ mà tổn thất sau thu hoạch lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long hiện ở mức 13,7%, tương đương thiệt hại 635 triệu USD/năm. Trong số này, chiếm cao nhất là khâu phơi sấy mất 4,2%, thu hoạch 3%, xay xát 3%, bảo quản 2,6%, vận chuyển 0,9%. Nếu tất cả các khâu thu hoạch đều có khiếm khuyết thì tổn thất có thể lên đến 20,6%. Ngoài ra, tổn thất các phụ phẩm khác của lúa gạo cũng lên đến 50%. Trong khi đó, ngành sản xuất và chế biến cà-phê, tổn thất sau thu hoạch cũng ở mức 14 đến 15%. Ðể đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020 giảm được tối thiểu 50% tổn thất đối với nông sản, thủy sản so với hiện nay, các chính sách liên quan lĩnh vực này cần phù hợp và sát cuộc sống hơn để có thể tháo gỡ những vướng mắc trong chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch cho nông dân.

 

 

 

Theo Tiến Anh/Nhandan Online

Tệp đính kèm