Cập nhật: 16/08/2012 17:33:40 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ nay đến hết mùa mưa bão, sẽ còn tới 13 cơn bão hoạt động trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương, 4 - 5 cơn hoạt động trên khu vực biển Đông và 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, trong đó có nhiều cơn bão mạnh...

Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, ngày 15 - 8, cho biết, từ mùa mưa bão năm 2012 đến nay, có 13 cơn bão hoạt động trên vùng biển tây bắc Thái Bình Dương. Nếu tính cả cơn bão Kai -Tak, trên biển Đông đã có 5 cơn bão.

 

Gần đây nhất, cuối tháng 7, cơn bão số 4, cũng đổ bộ vào Trung Quốc nhưng hoàn lưu của nó đã gây ra một đợt mưa lớn ở các tỉnh phía Bắc với lượng mưa phổ biến trong khoảng 100 - 150 mm, nhiều nơi trên 200 mm, cướp đi sinh mạng của 12 người dân, thiệt hại về kinh tế lên tới gần 50 tỉ đồng.

 

Mùa mưa bão bất thường

 

Ông Hải lưu ý diễn biến của các cơn bão từ đầu mùa mưa bão đến nay báo hiệu một mùa mưa bão bất thường. Theo ông Hải, ngay từ cuối tháng 3, cơn bão số 1 đã hình thành trên biển Đông, và là cơn bão xuất hiện sớm nhất kể từ năm 1982 đến nay ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

 

Trong số 13 cơn bão nêu trên, nhiều cơn hình thành độc lập, khác với quy luật.

 

“Những cơn bão hình thành khác với quy luật thường có hướng di chuyển phức tạp, khó lường, là thách thức rất lớn cho những người làm công tác dự bão báo, trong đó, cơn bão số 4 là một ví dụ điển hình”, ông Hải nói.

 

Cơn bão số 4 dị thường đến mức, sáng qua 15-8, Bộ TN-MT phải tổ chức một hội thảo khoa học để mổ xẻ về nó và rút kinh nghiệm cho công tác dự báo bão thời gian tới.

 

“Từ lúc hình thành cho đến lúc “chết” trên đất liền, bão số 4 đã đổi hướng tới 5 lần, trong đó có những lần đổi hướng đột ngột. Không một trung tâm nào trên thế giới, kể cả của Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc dự báo được sự đổi hướng di chuyển của bão”, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, nói.

 

Còn 3-4 cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam

 

Ông Hải cho biết, từ nay đến hết mùa mưa bão vẫn còn tới 13 cơn bão hoạt động trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương, 4-5 cơn hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

 

“Tháng 9 và tháng 10 là các tháng chính vụ của mùa mưa bão. Năm nay có thể mùa mưa bão kết thúc muộn và trong các tháng này, các cơn bão sẽ dồn dập xuất hiện, gây nguy hiểm cả trên biển và trên đất liền nước ta. Không loại trừ sẽ xuất hiện những cơn bão ma như bão số 4, diễn biến phức tạp cả về cường độ và hướng di chuyển, có sức tàn phá ghê gớm”, ông Hải cảnh báo.

 

Theo ông Hải, dự báo đỉnh lũ cao nhất năm 2012 trên các hệ thống sông tại Bắc bộ sẽ cao hơn đỉnh lũ năm 2011. Trên các sông thượng lưu hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình có khả năng ở mức báo động 1 đến mức báo động 2.

 

Đỉnh lũ cao nhất năm trên các sông ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh, từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực Tây nguyên và sông Đồng Nai có khả năng cao hơn năm 2011; các sông ở Nghệ An, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và sông Cửu Long ở mức thấp hơn.

 

Trong đó, đỉnh lũ cao nhất năm ở Thanh Hóa có khả năng ở dưới mức báo động 2, các sông từ Nghệ An đến Hà Tĩnh có khả năng ở mức báo động 2 và cao hơn trung bình nhiều năm, các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây nguyên ở mức báo động 3, có nơi trên báo động 3 và cao hơn trung bình nhiều năm.

 

Đỉnh lũ cao nhất năm trên sông Cửu Long có khả năng ở mức báo động 3, cao hơn trung bình nhiều năm.

 

Phòng chống lũ phải tính phương án vỡ đập

 

Ngày 14-8, Sở Công thương Phú Yên cùng các ngành chức năng của tỉnh này và 3 nhà máy thủy điện gồm: Krông Năng, Sông Hinh, Sông Ba Hạ đã bàn phương án phòng chống lũ cho hạ du sông Ba.

 

Ông Lê Chí Trọng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết hằng năm hạ du sông Ba luôn bị ảnh hưởng nặng do lũ lụt vì xả lũ nên cần phải xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du và các nhà máy cũng phải tham gia phòng chống lũ, hỗ trợ phương tiện cứu hộ, cứu nạn cho người dân vùng lũ.

 

Đại diện các ngành chức năng tỉnh Phú Yên đã đề nghị 2 nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh cần xây dựng bản đồ ngập lụt chung cho hạ du; kinh phí để xây dựng bản đồ này khoảng 2 tỉ đồng do các nhà máy thủy điện đóng góp.

 

Đại diện các nhà máy thủy điện chưa đồng ý với phương án đóng góp. Vì vậy, việc xây dựng bản đồ ngập lụt tiếp tục bàn tính, nhưng phải hoàn thành trong tháng 6-2013.

 

Trong phương án bổ sung phòng chống lũ hạ du sông Ba, các nhà máy thủy điện chưa tính đến tình huống vỡ đập nên Sở Công thương Phú Yên yêu cầu bổ sung để phê duyệt.

 

Ngoài ra, các nhà máy thủy điện trên sông Ba cần phải xây dựng quy chế phối hợp với Ban phòng chống lụt bão các cấp, kiểm tra thiết bị xả lũ, thiết bị cảnh báo lũ... và kiểm tra an toàn đập.

 

Ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công thương Phú Yên, đề nghị các nhà máy thủy điện nghiên cứu lắp đặt các trạm đo mưa trong lưu vực của nhà máy, quan trắc để đưa ra dự báo xả lũ trước 3 giờ trong mùa mưa lũ năm 2012.

Chưa có mô hình dự báo bão

 

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư đang thực hiện dự báo bão trong 24 giờ, 48 giờ và 72 giờ. Tuy nhiên, ông Tăng thừa nhận, đối với các bản tin dự báo bão hiện nay, dự báo trong 24 giờ tới kể cả cường độ và hướng di chuyển là tin cậy, các dự báo từ 48 giờ trở lên chỉ mang tính tham khảo.

 

Ông Tăng nêu thực trạng, hiện chúng ta mới chỉ có mô hình dự báo thời tiết, chưa có mô hình dự báo bão cho khu vực biển Đông và Việt Nam.

 

Ông Hải cho biết thêm, công tác dự báo bão của Việt Nam thực tế vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các đài quốc tế.

 

 

Theo Thanh Niên Online

Tệp đính kèm