Hiện nay, các trà lúa mùa của nhiều địa phương trên cả nước đang bước vào thời kỳ đứng cái, làm đòng, giai đoạn mẫn cảm nhất với các sâu, bệnh hại. Trước tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, các địa phương đang nỗ lực tập trung phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa và hoa màu.
* Từ đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 1.200 ha lúa vụ hè thu bị sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh rầy nâu và rầy lưng trắng, làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. Với diện tích lúa bị sâu rầy gây hại, mật độ rầy phổ biến 1.500 đến 3.000 con/mét vuông, có nơi trên 10.000 con/mét vuông, tập trung tại các huyện đồng bằng như Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức... Bên cạnh đó, bệnh chết cây lúa cũng đã gây hại trên trên 450 ha, chủ yếu ở những chân ruộng chua phèn, ruộng bón phân không cân đối.
Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đang hướng dẫn nông dân phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng. Ông Phạm Bá, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Rầy là đối tượng đang phát sinh và gây hại, nếu không phun trừ sẽ gây cháy rầy, ảnh hưởng đến năng suất. Để ngăn chặn sâu rầy phá hại diện tích lúa, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã có văn bản khuyến cáo gửi đến các Phòng nông nghiệp, Trạm bảo vệ thực vật và hợp tác xã nông nghiệp các địa phương để hướng dẫn cách phòng trừ, cử cán bộ về địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nông dân biết, kiểm tra đồng ruộng và thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật. Các địa phương cần theo dõi dự báo tình hình sâu bệnh 15 ngày/lần của Chi cục để thông báo hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hạn chế lây lan ra diện rộng.
Vụ lúa hè thu 2012, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đạt sản lượng lương thực 254.153 tấn; trong đó sản lượng thóc 193.638 tấn, nâng tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm 2012 đạt 448.000 tấn.
* Hiện nay các trà lúa mùa của tỉnh Phú Thọ đang bước vào thời kỳ đứng cái, làm đòng, giai đoạn mẫn cảm nhất với các sâu, bệnh hại. Theo điều tra của cơ quan chuyên môn, hiện nay các loại sâu bệnh đã lây lan ra tất cả các trà lúa trên địa bàn tỉnh làm cho hơn 13.000 ha lúa bị nhiễm bệnh; trong đó, trên 2.500 ha lúa bị bệnh khô vằn, trên 1.150 ha lúa bị rầy nâu gây hại và 2.430 ha lúa bị chuật phá hại. Nặng nhất là sâu cuốn lá nhỏ đã gây hại 6.177 ha, trong đó trên 330 ha bị hại nặng, mật độ lên tới 60 con/m2. Cá biệt có nhiều thửa ruộng mật độ sâu cuốn lá nhỏ mật độ trung bình từ 70 – 80 con/m2, cao từ 120 – 150 con/m2 và tỷ lệ hại trung bình từ 70-85 %. Tại những thửa ruộng bị sâu cuốn lá nhỏ hại nặng, người dân đã phải tiến hành cắt bỏ toàn bộ lá bị sâu hại, kết hợp với bón thúc phân để cho lúa lên lá mới nhằm cứu vớt lại năng suất lúa. Bên cạnh đó, rầy cũng đã gây hại trên trà lúa mùa sớm, mùa trung, với mật độ trung bình 30 - 70 con/m2, cao 280 - 400 con/m2, cục bộ có nơi lên tới 1.700 con/m2. Ngoài ra, bệnh khô vằn đã xuất hiện gây hại trên trà lúa mùa sớm, mùa trung; tỷ lệ dảnh hại trung bình 3 - 8%, cao 12,5 - 25%, cục bộ ổ 33 - 42%.
Trước tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, Chi Cục bản vệ thực vật tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương dập dịch cứu lúa, đồng thời lên phương án chủ động phòng trừ sâu bệnh hại.
* UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các huyện, thị xã khẩn trương phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát diện tích cây mì (sắn), phát hiện có nhiễm bệnh rệp sáp bột hồng, tổ chức tiêu hủy ngay, không bỏ sót hoặc kéo dài thời gian, nhằm cắt đứt nguồn dịch hại lây lan trên đồng ruộng. Mọi phí tổn của nông dân có diện tích cây sắn bị tiêu hủy sẽ được UBND tỉnh bồi thường, hỗ trợ.
Theo Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, hiện toàn tỉnh có 32.609 ha sắn; trong đó, có 104 ha đang bị rệp sáp bột hồng tấn công, tập trung tại 11 xã thuộc các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu và thị xã Tây Ninh và có chiều hướng lan nhanh ra các huyện khác nếu không tiêu diệt kịp thời.
Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh rệp sáp bột hồng là loài sâu hại nguy hiểm, khó phòng trừ, là đối tượng lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta và phát triển mạnh ở Tây Ninh. Loại côn trùng này có khả năng lây lan rất nhanh qua hom giống, phát tán theo gió, trôi theo nguồn nước, bám dính trên phương tiện vận chuyển... cây trồng bị nhiễm bệnh sẽ giảm mạnh năng suất, chất lượng.
* Dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn ở Sóc Trăng đã bùng phát mạnh vào thời điểm nửa cuối năm 2011 và cho đến nay, công tác khắc phục hậu quả của dịch bệnh này vẫn đang được các ngành chức năng, địa phương thực hiện quyết liệt.
Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng đã thông qua mức dự trù kinh phí khoảng 19,4 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ dân có diện tích nhãn bị thiệt hại do bệnh chổi rồng. Theo đó, với những vườn nhãn bị thiệt hại trên 70% sẽ được hỗ trợ 1 lần mức 7 triệu đồng/ha và 5 triệu đồng với mức thiệt hại từ 30-70%. Để đảm bảo kinh phí hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích, các trạm bảo vệ thực vật cấp huyện sẽ tiến hành thẩm định việc phòng chống dịch của các chủ vườn nhãn thông qua việc cắt tỉa cành bị bệnh và phun thuốc trừ nhện lông nhung truyền bệnh.
Do mức độ gây hại của bệnh chổi rồng phát triển nhanh, ngay sau khi công bố dịch, từ cuối năm 2011, tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các địa phương thành lập ban chỉ đạo để tổ chức phát động nông dân thực hiện các biện pháp cấp bách phòng trừ nhằm ngăn chặn dịch bệnh, tránh lây lan. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cũng đã chỉ đạo Chi cục bảo vệ thực vật triển khai thực hiện một số công việc cấp bách, đảm bảo thực hiện đạt kết quả và các địa phương có diện tích trồng nhãn lớn đều tổ chức các đợt ra quân phòng chống dịch bệnh, phát động nông dân tự cắt tỉa, phun xịt thuốc trừ nhện lông nhung theo hướng dẫn...
Nhờ những biện pháp phòng chống dịch quyết liệt của ngành chức năng, địa phương cùng các nhà khoa học, hiện nay, diện tích vườn nhãn từ chỗ có tới 2.900 ha bị nhiễm dịch bệnh chổi rồng (trong đó có tới 2.400 ha bị nhiễm nặng trên 70% diện tích) nay đã giảm xuống còn khoảng 1.700 ha, trong đó chỉ có trên 80 ha nhiễm nặng, 380 ha nhiễm trung bình, còn lại là nhiễm nhẹ. Phần lớn diện tích nhãn đang được khống chế tốt dịch bệnh chổi rồng. H iện nhãn đang ra cơi đọt 2 với tỷ lệ tái nhiễm bệnh chổi rồng chỉ từ 2-5% so với các vườn đối chứng có tỷ lệ nhiễm từ 5-10% và một số xử lý trước đó đang cho trái./.
Theo TTXVN