Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư: hồi 4 giờ ngày 26-8, vị trí tâm bão số 6 (Tem-bin) ở vào khoảng 21,1 độ vĩ bắc; 116,7 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680 km về phía đông bắc.
Trong khi đó, trên vùng biển ngoài khơi Thái Bình Dương đã xuất hiện một cơn bão khác có tên quốc tế là Bolaven có khả năng mạnh dần lên và di chuyển chếch lên phía bắc vào khu vực vùng biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Do có cấp độ mạnh hơn và khoảng cách khá gần nhau, siêu bão Bolaven đang hút bão Tem-bin theo. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng nam, sau đó đổi hướng di chuyển về phía đông nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Ðến 4 giờ ngày hôm nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ vĩ bắc; 118,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 750 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (từ 118 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng đông đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Ðến 4 giờ ngày 28-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,2 độ vĩ bắc; 121,2 độ kinh đông, ngay trên vùng biển phía đông nam đảo Ðài Loan (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (từ 103 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14. Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 đến 20 km.
Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt bão T.Ư - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã có Công điện số 36/CÐ-TW (số 1 về cơn bão số 6), trong đó yêu cầu các tàu, thuyền cần tránh khu vực nguy hiểm là vùng biển phía bắc vĩ tuyến 18. Công điện nêu rõ: Ðây là cơn bão mạnh và còn có thể có diễn biến phức tạp, để chủ động đối phó với diễn biến của bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo PCLBT.Ư-Văn phòng UBQGTKCN đề nghị Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố, bộ, ngành thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới là vùng biển phía bắc vĩ tuyến 18. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban chỉ đạo PCLBT.Ư và Văn phòng UBQGTKCN.
Tỉnh Hà Giang đã phê duyệt bảy đề án xây dựng nông thôn mới của hai huyện Mèo Vạc và Ðồng Văn. Cả tỉnh đã có 41 xã có đề án được tỉnh duyệt, 136 xã hiện đang triển khai lập kế hoạch hoặc đang chờ thẩm định duyệt. Từ nay đến năm 2015, tỉnh Lào Cai xây dựng kế hoạch đào tạo 64 nghìn lao động có tay nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh lên 50%. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho lĩnh vực nông nghiệp là hơn 50 nghìn người, chiếm 70%; còn lại là dạy các nghề phi nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Hà Tĩnh đã thu hút được 166 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn kinh phí trên, các ngành chức năng đã giúp các địa phương xây dựng đường giao thông, trường học, trạm y tế, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo.
Theo nguồn tin từ Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, hiện giá tôm sú nguyên liệu cỡ 20 con/kg tại Cà Mau tăng thêm năm nghìn đồng/kg so với tuần trước. Tại Ðà Nẵng, giá tôm sú nguyên liệu cũng tăng khá mạnh từ 10 nghìn đến 20 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, giá tôm chân trắng tại Ðà Nẵng, Phú Yên đồng loạt tăng từ một nghìn đến 10 nghìn đồng/kg, so với tuần giữa tháng 8-2012. Trong tuần, giá tôm càng xanh loại một và hai tại Ðồng Tháp giảm khá mạnh 10 nghìn đồng/kg, trong khi giá tôm giống tăng 10 nghìn đồng/con so với tuần hai tháng 8-2012. Huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh từ hai năm nay người nuôi cá thả hai vụ/năm, mật độ thả nuôi 30 đến 50 con/m2, nông dân đạt mức lợi nhuận 80 triệu đồng/vụ, với giá cá thương phẩm được bán ra 38 nghìn đồng/kg. Hàng nghìn hộ nuôi tôm ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đang lao đao vì tôm nhiễm bệnh lạ chết hàng loạt. Nhiều hộ đã thu hoạch tôm non để bán, nhưng cũng chỉ thu hồi được 20% số vốn đầu tư ban đầu. Hội Nông dân huyện Châu Thành tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng mô hình Tổ hợp tác liên kết giữa những người nuôi cá lóc trong vèo (lưới mùng) và các doanh nghiệp chế biến. Các hộ nuôi khi tham gia mô hình này luôn được bảo đảm đầu ra, giá cá luôn cao hơn mức thị trường từ 5 đến 15%. Còn các doanh nghiệp chế biến luôn có đủ nguồn nguyên liệu ổn định và lâu dài.
Nhằm chủ động hơn khi đỉnh lũ lên cao và giảm áp lực chống lũ, các tỉnh đã hoàn thành xuống giống thu đông như: Cần Thơ 58 nghìn ha, Vĩnh Long 61 nghìn ha, Kiên Giang 64 nghìn ha, tỉnh An Giang đã xuống giống 65 nghìn/142 nghìn ha, Ðồng Tháp 88 nghìn/110 nghìn ha. Các tỉnh trong vùng lũ đã thực hiện chủ trương chỉ xuống giống ở những vùng đê bao chắc chắn, an toàn. Ðồng thời, ở những vùng xả lũ như huyện An Phú (An Giang), huyện Tân Hồng (Ðồng Tháp) không thể xây đê bao ngăn lũ, thì không xuống giống vụ thu đông, nhằm mục đích lấy nước vào đồng, cung cấp phù sa cho vụ đông xuân. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo nông dân chỉ sản xuất ba năm tám vụ luân phiên theo năm nhuận, để phục hồi đất, diệt mầm bệnh và điều chỉnh lịch thời vụ, thu hoạch thu đông trước khi lũ về.
Do mưa liên tục nhiều ngày, cộng với triều cường lên cao, nhiều đoạn đê biển, đê sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã bị sạt lở nghiêm trọng. Riêng đê Biển Tây hiện đã có tới ba điểm sạt lở, trên các con sông nội địa cũng đã có hơn 30 điểm bị sạt lở. Các ngành chức năng đã tập trung các biện pháp phòng chống, nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ đê kè.
Theo Nhandan Online