Cập nhật: 05/10/2012 15:27:53 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 4-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,6 độ vĩ bắc; 118,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km và có khả năng mạnh thêm. Ðến 19 giờ ngày 5-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,4 độ vĩ bắc; 114,9 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Phú Yên khoảng 620 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.

 

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km và còn có khả năng mạnh thêm. Ðến 19 giờ ngày 6-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,2 độ vĩ bắc; 110,8 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Phú Yên khoảng 160 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.

 

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông Biển Ðông có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Khoảng chiều tối 5-10, khu vực giữa Biển Ðông bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, diễn biến của bão số 7  khá phức tạp, do vậy tất cả các đơn vị và địa phương cần chuẩn bị tinh thần đối phó với bão mạnh. Công việc cụ thể và cấp bách hiện nay là liên lạc với những tàu thuyền còn lại ở ngoài khơi,  nhất là nằm trên đường bão đi về phương án trú tránh (vào bờ hoặc tiến lên phía bắc). Các hồ thủy lợi, thủy điện vận hành đúng quy trình không xả lũ bất thường gây ngập úng cho người dân vùng hạ lưu. Hôm nay (5-10), Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư sẽ cử đoàn công tác vào Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

 

Bộ Quốc phòng đã cử hơn 31 nghìn chiến sĩ, dân quân và 588 trang thiết bị các loại sẵn sàng ứng cứu trong bão số 7. Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc Phòng) có Công điện số 111/TK gửi: Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BÐBP); Quân chủng Hải quân; Phòng không-Không quân (PK-KQ); Cục Cảnh sát biển; các Quân khu 4, 5, 7 yêu cầu các đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực ban, trực chỉ huy; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; kiểm tra rà soát phương án phòng, chống lụt bão-tìm kiếm cứu nạn, có biện pháp bảo đảm an toàn cho kho tàng, doanh trại; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh.

 

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo biên phòng các tỉnh, thành  phố ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận  phối hợp với địa phương và gia đình chủ tàu bằng mọi biện pháp thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển (đặc biệt chín tàu/114 lao động đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa) biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các Quân khu 4, 5, 7 chỉ đạo các đơn vị   phối hợp chính quyền địa phương đưa ngay các tàu thuyền ven bờ, các lồng, bè cá về nơi trú ẩn an toàn; xác định  nơi dễ bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và dễ bị chia cắt để sẵn sàng giúp dân di dời, sơ tán khi bão đổ bộ.

 

Ðến 12 giờ trưa 4-10, lực lượng Bộ đội Biên phòng các địa phương ven biển đã thông báo và hướng dẫn cho hơn 48 nghìn tàu với hơn 200 nghìn ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão số 7 để chủ động phòng tránh.

 

Tại các địa phương, công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 7 đang được triển khai. Tỉnh Quảng Bình đã lên phương án di dời dân cư ven biển khi có bão, lực lượng Bộ đội Biên phòng bố trí 100 cán bộ chiến sĩ, 10 phương tiện (ca-nô, xe) thường trực khi xử lý sự cố. Tỉnh Quảng Nam đã rà soát và sơ tán dân ở những nhà không đảm bảo an toàn và vùng trũng thấp cửa sông, ven biển, trước khi bão đổ bộ từ 10 đến 12 tiếng, cùng với đó bố trí lực lượng kiểm soát chốt chặn ở những điểm thường xuyên bị ngập sâu và nước chảy xiết. TP Ðà Nẵng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đã về neo đậu và còn trên biển; tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão theo quy chế. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ và giữ vững thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết.  Ngày 4-10, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Ninh Thuận có Công điện yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ   tàu thuyền ra khơi; bố trí lực lượng, phương tiện kiểm soát các ngầm, tràn khi có lũ xảy ra; kiểm tra, vận hành hồ chứa nước bảo đảm an toàn, hiệu quả công trình và an toàn hạ du.

 

Chiều 4-10, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các ban, ngành và các địa phương trong tỉnh tập trung chuẩn bị các phương án PCLB với phương châm "bốn tại chỗ", chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, trong đó lấy công tác phòng tránh là chính. UBND tỉnh yêu cầu: nâng cao năng lực dự báo, bảo đảm giao thông thủy nội địa và thông tin liên lạc thông suốt; rà soát phương án tìm kiếm cứu nạn toàn tỉnh,  bảo đảm phương tiện, lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, nhất là vùng sâu, vùng xa ven biển, khu vực dễ bị chia cắt; tổ chức kiểm tra, kêu gọi tất cả các tàu, thuyền trên biển vào bờ trú ẩn an toàn, tránh áp thấp nhiệt đới, bão lớn và lốc xoáy có thể diễn ra; khẩn trương gia cố, khắc phục sạt lở bờ sông, ven biển, phòng tránh lũ quét, sạt lở đất; tổ chức dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền; khẩn trương kiểm tra các công trình đang thi công và củng cố đê, kè, hồ đập chứa nước, bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ vào bờ.

 

 

 

Theo Nhân dân Online

 

Tệp đính kèm