Cập nhật: 13/11/2012 15:16:06 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dư luận đang quan tâm về việc triển khai áp dụng xử phạt các vi phạm giao thông đường bộ theo quy định mới tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/11/2012, trong đó có nêu việc xử phạt người điều khiển phương tiện mà không phải là chủ sở hữu phương tiện đó.

Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, từ 10/11/2012 tăng mức xử phạt một số hành vi vi phạm giao thông đường bộ, trong đó có hành vi của chủ xe ô tô, xe máy không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.

 

Chỉ sửa đổi về mức phạt tiền vi phạm

Cụ thể, trước đó, tại điểm đ, khoản 4, Điều 33, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm việc không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Vi phạm này đối với xe máy, mức phạt đối với chủ phương tiện là 100.000 – 200.000 đồng.

 

Còn theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP, điều khoản trên được sửa đổi, bổ sung thành: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô có hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô mức phạt áp dụng đối  với hành vi này từ 6 triệu đến 10 triệu đồng (điểm c, khoản 6). Như vậy, so với quy định cũ (Nghị định 34/2010/NĐ-CP), Nghị định 71/2012/NĐ-CP chỉ sửa đổi  về mức phạt tiền hành chính đối với loại hành vi vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.

 

Tuy nhiên, trong dư luận mấy ngày qua, đa số lại băn khoăn rằng: Việc đi xe không chính chủ (bao gồm xe không sang tên đổi chủ khi mua, bán, cho, tặng,... và cả xe của gia đình, xe mượn của người khác) cũng sẽ bị xử phạt. Chiều 12/11, Bộ Công an đã tổ chức gặp gỡ báo chí, làm rõ thêm một số thông tin về phạm vi điều chỉnh của Nghị định 71.

 

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), khẳng định nội dung Nghị định 71 thực chất chỉ điều chỉnh mức phạt đối với một số hành vi vi phạm, trong đó có hành vi mua bán, cho tặng xe mà không sang tên đổi chủ theo quy định của pháp luật.

 

Theo ông Nghị thì các trường hợp sử dụng xe thuê, mượn, xe gia đình, xe hợp đồng không bị xử phạt theo Nghị định 71. Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sang tên đổi chủ phương tiện giao thông, Bộ Công an, Bộ Tài chính đã đề xuất hướng điều chỉnh lệ phí chuyển quyền sở hữu phương tiện xuống mức thấp nhất có thể; đơn giản hóa thủ tục chuyển quyền sở hữu phương tiện, giảm phiền hà cho người dân.

 

Không điều chỉnh về tính chất, loại hành vi vi phạm

Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải khẳng định: Về việc xử phạt vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện, thực chất Nghị định 71 không điều chỉnh về tính chất, loại hành vi vi phạm mà chỉ tăng mức phạt so với quy định cũ tại Nghị định 34/2010/NĐ-CP trước đây.

 

Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm, quy định này đã qua 4 lần sửa đổi và đến Nghị định 71 cũng chỉ nâng mức phạt, còn việc quy định hành vi vi phạm và việc xử phạt vẫn áp dụng theo các quy định hiện hành.

 

Như vậy, nội dung Nghị định 71 không có quy định xử phạt người điều khiển xe không chính chủ, mà chỉ quy định xử phạt chủ phương tiện có hành vi không chuyển quyền sở hữu đúng quy định.Bộ Giao thông vận tải phân tích: Nghị định 71 đã quy định rõ về hành vi và mức phạt, còn thủ tục và hình thức xử phạt được áp dụng theo quy định hiện hành của Bộ Công an.

 

Còn việc chuyển đổi sở hữu phương tiện cũng đã được quy định tại khoản 3, Điều 6, Thông tư số 36/2010/TT-BCA. Cụ thể, chủ sở hữu phương tiện có trách nhiệm “trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho, tặng, thừa kế, người mua hoặc bán xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe”.

 

Cũng về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Chiến, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: Quy định trong Nghị định 71/2012 là rõ ràng. Tuy nhiên, đối với người dân và lực lượng thực thi pháp luật thì việc xác định hành vi vi phạm và xử phạt hành vi vi phạm này thì ngoài căn cứ trong Nghị định 71, còn phải hiểu rõ các văn bản pháp luật có liên quan.

 

Tăng mức phạt để tăng tính răn đe

 

Tìm hiểu về lý do nâng mức phạt hành vi vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện, Bộ Giao thông vận tải cho hay: Thực tế  là có rất nhiều người mua bán phương tiện nhưng không sang tên đổi chủ, vừa gây thất thu thuế cho nhà nước, đồng thời lại gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ, việc “phạt nguội” gặp khó khăn.Ví dụ như lực lượng chức năng đã rất khó xác định được chủ sở hữu phương tiện vi phạm thông qua hình ảnh ghi lại hành vi vi phạm bằng hệ thống camera, máy chụp ảnh kiểm soát giao thông trên một số tuyến trọng điểm, một số nút giao thông tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, trạm cân...,

 

Do vậy, Nghị định 71/2012/NĐ-CP đã tăng mức phạt vi phạm này, nhằm đảm bảo tính răn đe, để các chủ phương tiện tự giác thực hiện nghiêm quy định chuyển quyền sở hữu khi mua bán phương tiện theo đúng quy định của pháp luật.Việc xử phạt chủ phương tiện có hành vi không chuyển đổi quyền sở hữu phương tiện theo quy định của pháp luật đã được đưa ra trong Luật Giao thông đường bộ năm 2001. Sau đó được Chính phủ quy định cụ thể trong Nghị định số 15/2003/NĐ-CP và tiếp tục được quy định trong các Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ như: Nghị định số 152/2005/NĐ-CP; Nghị định số 146/2007/NĐ-CP; Nghị định số 34/2010/NĐ-CP và hiện nay là Nghị định 71/2012/NĐ-CP.

 

Điều 38 Nghị định số 152/2005/NĐ-CP xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ như sau:

 

 1. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: a) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;

 

3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: c) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.

 

Điều 34 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP thay thế Nghị định 152 quy định xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ :

 

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: a) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;

 

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: đ) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;Điều 33 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định 146 quy định xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ như sau:

 

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: a) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;

 

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: đ) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.Khoản 8, Điều 1, Nghị  định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định:

 

3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: e) không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;

 

6. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: c) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.

 

 

 

Theo Hoa Mạnh Diễm/Chinhphu.vn

 

Tệp đính kèm