Cập nhật: 28/12/2012 16:39:07 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nếu nghỉ sinh từ tháng 1/2013, lao động nữ phải đi làm vào tháng 5 theo luật hiện hành. Nhưng đầu tháng 5, Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực nên sản phụ sẽ được nghỉ thêm 2 tháng.

 

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, theo luật hiện hành thời gian nghỉ sinh là 4 tháng, và nếu sinh tháng 1/2013 sẽ phải đi làm vào tháng 5. Tuy nhiên, ngày 1/5, Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực nên chị em sẽ được nghỉ thêm 2 tháng theo quy định mới.

 

Bộ luật Lao động sửa đổi quy định, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm một tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá hai tháng.

 

Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.

 

Ngoài ra, trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất 4 tháng. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định.

 

Việc tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng được Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em đề xuất từ giữa năm 2008. Trước đó, năm 1985, Phó thủ tướng Tố Hữu đã ký ban hành quyết định tăng thời gian nghỉ sinh từ 2 tháng lên 6 tháng. Tuy nhiên, vì sức ép lao động, tiền lương và nhiều lý do khác nên đến đầu những năm 90 Chính phủ lại giảm thời gian nghỉ sinh xuống còn 4 tháng.

 

 

Theo VnExPrees

Tệp đính kèm