Cập nhật: 09/02/2013 14:13:54 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cứ đến cận Tết, người Việt Nam lại có thói quen tính ngày, tháng theo Âm lịch. Thậm chí, chẳng cần xem lịch, cứ nhìn dòng người đang hối hả sắm Tết, thấy đào, mai và quất rực rỡ khắp các nẻo đường đất nước là thấy Tết đã đến cận kề.

Những ngày làm việc cuối cùng của năm cũ Nhâm Thìn, hễ có gặp nhau, dường như ai ai cũng chỉ hỏi đúng một câu: Chuẩn bị Tết đến đâu rồi?

 

Gặp chị bán hoa ở trước cổng cơ quan, nở nụ cười tươi, chị bảo, lo trời ấm nóng sẽ hỏng hoa nhưng may thay hôm nay thời tiết đã bắt đầu trở lạnh, số hoa chị gom bán cũng đã vơi quá nửa. Chị tâm sự: Chỉ mong bán hết hàng sớm để sắm một cái Tết tươm tất hơn năm ngoái, cũng như có chút đỉnh lo cho con cái ăn học, sửa sang cửa nhà…

 

Thế mới thấy, người Việt ta là thế, kinh tế dù khó khăn đến mấy, nhưng vẫn phải cố lo một cái Tết  tươm tất cho gia đình.

 

Những ngày này, đi chợ Tết là một trong những thú vui đặc biệt của người dân Việt. Chỉ xuất hiện vào dịp Tết, chợ bán các loại "đặc sản" mang hương vị Tết như: hoa đào, mai; cây cảnh, những loại trái cây để bày mâm ngũ quả, đến các loại bánh, mứt…

 

Tùy vào điều kiện kinh tế, mỗi gia đình sẽ chọn cho mình những món hàng phù hợp với “túi tiền” nhưng không thể thiếu một cây đào hay quất, lọ hoa tươi, bánh chưng, những món ăn như canh măng, xôi gấc, thịt gà, giò lụa, dưa hành muối, hay mứt Tết và các loại bánh kẹo khác để thờ cúng và đãi khách.

 

Rồi cả nhà cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Chỉ còn chờ mâm cỗ tất niên, rồi mâm cỗ cúng giao thừa là Tết đến.

 

Đặc biệt, đối với những người đi làm xa quê, thì tết càng có ý nghĩa khi được sum họp với gia đình, họ hàng. "Về quê ăn Tết" đã trở thành thành ngữ chỉ cuộc hành hương về nơi cội nguồn.

 

Đêm Giao thừa, người Hà Nội đổ ra Hồ Gươm để chờ đợi thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ sang năm mới. Để trong tiết trời se lạnh, những màn pháo hoa đang rực rỡ trên bầu trời, mọi người cùng nắm tay cầu chúc cho một năm mới sức khỏe và hạnh phúc đến với gia đình, bè bạn, một năm an khang và thịnh vượng.

 

Khi đất trời giao thoa, lòng người cũng như nở hoa. Không chỉ ở Hà Nội – thủ đô của nước Việt Nam, mà có thể thấy khắp nơi trong cả nước, người dân đất Việt đều đón giao thừa trong một tâm trậng lâng lâng cảm xúc, dạt dào niềm vui. Để sau phút giao thừa thiêng liêng, trong dòng người nườm nượp với những cành lộc biếc trên tay, lại tìm về nhà với mâm cỗ cúng giao thừa để cả gia đình quây quần, sum họp bên mâm cỗ đầy, cùng nâng ly chúc cho một năm mới an lành và hạnh phúc.

 

Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy. Tết giờ cũng đã đơn giản hơn rất nhiều, bớt những thủ tục, lễ tiết rườm rà nhưng hầu như người Việt vẫn giữ nét đẹp truyền thống ấy. Rồi xông nhà, mừng tuổi, đi lễ chùa hay mở hàng đầu năm…Cả năm, mấy ngày Tết là lúc mọi hiềm khích, nỗi buồn sẽ trôi qua, chỉ có niềm vui và hy vọng vào một năm mới may mắn, hạnh phúc, tấn tới.

 

Xuân sang, Tết đã đến rất gần. Mong một mùa xuân mới với thật nhiều niềm vui mới, thắng lợi mới đến với  mọi người dân trên đất nước Việt Nam.

 

 

 

Theo Thu Hằng  /Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm