Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức họp với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam về tình hình dịch cúm A/H7N9 nhằm chủ động đối phó khi loại vi rút này đang có dấu hiệu thích ứng nhanh với các loài động vật có vú ở Trung Quốc.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, 2 Trung tâm phòng chống cúm quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng đáp ứng khi có dịch xảy ra và hoàn toàn xác định được virus cúm H7N9 bằng biện pháp giải trình tự gen.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lo ngại, hiện nay virus cúm A/H7N9 chưa được ghi nhận ở Việt Nam, nhưng đối với các chủng virus cúm khác như: H3N2, H1N1, H5N1 vẫn đang xuất hiện rộng rãi. Đặc biệt từ đầu năm tới nay đã có một trường hợp tử vong vì virus H5N1. Đồng thời với phát hiện chim yến ở Ninh Thuận nhiễm virus H5N1 khiến nguy cơ virus này lan rộng là rất cao khi ổ dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra rải rác.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chỉ rõ, dù chưa ghi nhận cúm A/H7N9 trên người và gia cầm nhưng nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập và lan truyền gây bùng phát dịch ở nước ta là rất cao. Bởi lẽ, chủng virus mới cúm A/H7N9 có nguồn gốc gen từ virus gia cầm, dễ biến đổi và có tính thích nghi cao, cũng như nguy cơ nhiễm từ người sang người có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 ở Trung Quốc ngày càng phức tạp, bệnh nhân mắc và tử vong liên tục gia tăng rải rác ở nhiều địa phương gây khó khăn cho việc kiểm soát sự lan truyền và khống chế. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có đường biên giới trải dài với Trung Quốc, việc buôn bán, nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm khó kiểm soát, giao lưu đi lại qua biên giới của người dân nhiều, trong khi cộng đồng chưa có miễn dịch.
Trước những nguy cơ đe dọa trên, ngay từ đầu tháng 4 khi có những thông tin về các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, Bộ Y tế và các Bộ, ngành chức năng đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn nhằm hạn chế tối đa nguy cơ virus này xâm nhập vào Việt Nam. Hiện nay, công tác giám sát dịch bệnh này đang được đặt lên hàng đầu, từ việc giám sát dịch bệnh của hành khách nhập cảnh vào nước ta cho tới việc giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành phác đồ điều trị cúm A/H7N9 và yêu cầu các cơ sở y tế tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, thuốc men, máy móc để sẵn sàng ứng phó với nguy cơ cúm A/H7N9 xuất hiện ở Việt Nam.
Theo WHO, tính đến sáng 12/4, Trung Quốc đã phát hiện 38 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, trong đó có 10 ca tử vong dịch cúm AH7N9 tại Trung Quốc tập trung chủ yếu tại 4 tỉnh gần nhau là: Thượng Hải, An Huy, Giang Tô và Chiết Giang. Đến nay, vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm virus. Tuy nhiên, qua phân tích gen cho thấy chủng virus này đã tiến hóa từ virus cúm gia cầm nhưng không lây truyền qua thực phẩm nấu chín kỹ và chế biến đúng cách. Người dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân và không mua bán, sử dụng gia cầm ốm chết.
Bác sỹ Nguyễn Thị Phúc, Cán bộ Văn phòng Tổ chức Y tế giới tại Việt Nam cho biết, diễn biến dịch bệnh tại Trung Quốc cho thấy, chưa có trường hợp nào lây bệnh sau khi tiếp xúc với bệnh nhân cúm A/H7N9 nhưng những biến đổi của virus này đang cho thấy những quan ngại về việc cúm AH7N9 có thể xảy ra trên động vật có vú.
“Virus cúm A/H7N9 có những gen bên trong rất giống với H9N2 và việc giải trình tự gen tại Trung Quốc cho thấy, vi rút H7N9 đang có những thay đổi để thích ứng với động vật có vú, có thể gây bệnh cho động vật có vú. Virus này có nhạy với cả thuốc Tamiflu và zanamivir nhưng đấy mới là kết quả trong phòng thí nghiệm” - bác sỹ Nguyễn Thị Phúc nói.
Đại diện tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới cho rằng, virus H7N9 đã được tìm thấy trên gà, chim bồ câu, chim cút. Đây là mối đe dọa nguy hiểm với sức khỏe con người và hệ sinh thái đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên để ứng phó. Do đó, FAO đang hỗ trợ tích cực cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để ứng phó với virus này.
Theo FAO, trong bối cảnh dịch bệnh cúm AH5N1 đang diễn ra trên đàn gia cầm như hiện nay, Việt Nam cần kiểm soát chặt việc xuất nhập khẩu gia cầm, hỗ trợ các địa phương giám sát dịch bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm khi có dịch trên gia súc, gia cầm. Trên thị trường thế giới đã có vắc xin tiêm phòng chủng virus H7 nói chung cho gia cầm, nhưng với H7N9 cần nghiên cứu thêm trước khi có khuyến nghị tiêm phòng trên gia cầm. Bên cạnh việc chủ động phòng chống virus cúm mới H7N9 cần hết sức cảnh giác với cúm A/H5N1 nhất là khi tỉnh Đồng Tháp vừa có người tử vong vì virus cúm A/H5N1.
Cũng tại cuộc họp, Tiến sỹ Takeshi Kasai đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng, nhận định của Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới về dịch cúm A/H7N9 khá tương đồng. Việt Nam đã có kế hoạch ứng phó với dịch bệnh và việc tiếp theo là theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới cam kết hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ và chia sẻ thông tin về dịch bệnh với Bộ Y tế Việt Nam.
TS Takeshi Kasai nhấn mạnh, các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm từ gia cầm sang người hay từ người sang người. Nhưng qua phân tích gen cho thấy, virus H7N9 đã tiến hóa từ virus cúm gia cầm và có dấu hiệu thích ứng nhanh với các loài động vật có vú. Do đó, hiện nay các nghiên cứu, điều tra tiếp theo đang được khẩn trương tiến hành để tìm nguồn lây nhiễm, bao gồm khả năng lây từ động vật sang người, cũng như từ người sang người./.
Theo Đỗ Thoa/Báo điện tử ĐCSVN