Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 84 trường hợp mắc tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng tiếp tục có diễn biến phức tạp khi cả nước đã ghi nhận trong ba tháng đầu năm có trên 14.200 trường hợp bị mắc bệnh, trong đó có 4 ca tử vong.
Phấp phỏng lo dịch
Tại khu vực miền Bắc, thông thường bệnh tay chân miệng tập trung vào tháng 5 - 6 trở đi, nhưng từ đầu năm đến nay nhiều trường hợp đã phải đến bệnh viện điều trị.
Nhập viện được gần một tuần, nhưng hiện nay cháu Phùng Đức Hiếu (17 tháng tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn đang được các bác sĩ tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương theo dõi vì có biểu hiện giật mình khi ngủ. Bà Nguyễn Thị Nga (bà nội của cháu Phùng Đức Hiếu) cho biết: cháu bị lây từ một cháu bé nhà hàng xóm bị tay chân miệng sau khi sang nhà chơi. Sau đó, cháu sốt cao, có biểu hiện mọc nốt phỏng trong miệng, các bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị tay chân miệng và lập tức cho nhập viện ngay.
“Cháu bị sốt liên tục, cao nhất lên đến 39,7 độ C. Mặc dù uống thuốc hạ sốt rồi nhưng hạ sốt được 4 tiếng lại sốt tiếp. Nốt ban đỏ mọc khắp lưng, bụng, tay, chân, lan sang da đầu, kể cả bộ phận sinh dục. Cháu quấy khóc, ăn uống kém, nhìn thương lắm”, bà Nga xót xa.
Cùng có con đang được theo dõi tại khoa, chị Phạm Thu Hương – mẹ của bé gái 16 tháng tuổi ở Thị trấn Văn Điển – Thanh Trì (Hà Nội) cũng cho biết, con chị nhập viện được 5 ngày mà vẫn chưa khỏi bệnh. Chị kể, trước đó thấy con gái có vài nốt nhỏ mọc trên môi, kèm sốt cao, sau khi đi khám bác sĩ cho biết cháu bị viêm họng. Cứ nghĩ thời điểm này đang là lúc giao mùa, trẻ dễ sốt do viêm họng, viêm phế quản, nên gia đình đưa cháu về nhà, điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ. Tuy nhiên, sang ngày hôm sau thấy ban đỏ mọc nhiều hơn, lan sang lòng bàn tay, bàn chân, lúc này gia đình mới tá hỏa biết con bị tay chân miệng.
Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc tay chân miệng
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm – Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: từ đầu năm đến nay, khoa tiếp nhận 84 trường hợp mắc tay chân miệng, phần lớn trẻ có biểu hiện sốt, ăn uống kém, có các tổn thương phỏng nước ở niêm mạc miệng, tay chân, đa số các ca đều ở phân loại độ 2a. Trong đó chỉ có hai trường hợp nặng hơn thuộc độ 2b, chưa có ca nào tử vong. So với cùng kỳ năm 2012, số ca mắc chỉ gần bằng 7,64% .
Mặc dù, tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ bệnh nặng chưa tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2012, song bác sĩ Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo các bậc phụ huynh cũng không nên chủ quan với bệnh tay chân miệng. Bác sĩ Lâm cho biết thêm, nguyên nhân gây bệnh là virus đường ruột, lây lan theo đường tiêu hóa và qua tiếp xúc trực tiếp. Có nhiều tuyp virus gây bệnh, một người có thể mắc nhiều tuyp khác nhau, bệnh lưu hành rộng ở các địa phương trong nước và các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Cũng theo bác sĩ Lâm, trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc tay chân miệng, nhưng không phải trường hợp nào cũng đến viện. Nếu trẻ sốt, xuất hiện nốt phỏng ở tay chân miệng thì các mẹ cần theo dõi chặt chẽ và đưa bé đến khám bác sỹ để được tư vấn về cách chăm sóc, điều trị và phòng bệnh. Bé sốt nhẹ, nhưng vẫn ăn tốt, chơi ngoan thì không nên quá lo lắng, có thể chăm sóc, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, điều trị tại nhà. Nhưng nếu thấy bé sốt cao liên tục từ 39 – 40 độ C, quấy khóc, nôn ói, giật mình, có dấu hiệu thần kinh thì cha mẹ cần đưa đến bệnh viện ngay. Đó có thể là những dấu hiệu bệnh của bé diễn biến nặng.
Hiện nay, Bộ Y tế đã có phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng, theo đó bác sĩ Lâm khuyến cáo, những gia đình có trẻ dưới 5 tuổi phải luôn đảm bảo vấn đề vệ sinh cộng đồng. Để phòng bệnh, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, lau sạch các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi của trẻ bị nhiễm bẩn. Đồng thời cho trẻ ăn chín, uống chín, tránh tiếp xúc gần với trẻ đã mắc bệnh… Khi trẻ bị bệnh nên cho trẻ ở nhà để tránh lây lan sang các trẻ khác./.
Theo VOV online