10 năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả quan trọng.
Sáng 24/4 tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tổ chức Hội thảo triển khai Chỉ thị 20 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mẫu Diệp cho biết: Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 55 của Bộ Chính trị khóa 8, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả quan trọng. Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em ngày càng được cải thiện; công tác giáo dục trẻ em có những chuyển biến tích cực; công tác bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em được quan tâm và có sự chuyển biến mạnh mẽ; đời sống văn hóa, vui chơi, giải trí của trẻ em đã từng bước được cải thiện; tổ chức bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ Trung ương đến địa phương đã dần được kiện toàn; xây dựng gia đình bền vững…
Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: Hệ thống pháp luật, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa hoàn thiện. Nhiều mục tiêu quan trọng trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001-2010 thực hiện chưa đạt. Đạo đức, lối sống xuống cấp, lệch chuẩn của một bộ phận trẻ em đang trở thành nỗi lo của gia đình và xã hội.
Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, bị lạm dụng sức lao động có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng trẻ em phạm tội, trẻ em lang thang, bị tai nạn, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn là những vấn đề xã hội bức xúc. Học sinh bỏ học còn khá phổ biến ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn lực trong xã hội dành cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu….
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, tháng 11/2012, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quán triệt, thực hiện 7 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động để các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, mọi cán bộ, đảng viên, người dân thấy được tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Kịp thời tuyên truyền các điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt, việc tốt trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; quan tâm giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; phê phán các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào hoạt động tội phạm và cản trở việc thực hiện các quyền của trẻ em… Tuy nhiên, đến nay mới có 10/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị.
Tại Hội nghị, các tỉnh Bắc Giang, Sơn La, Quảng Nam và Trà Vinh… chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị. Tùy từng điều kiện kinh tế xã hội, mỗi địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo cách riêng.
Chẳng hạn, tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 41 yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp đưa mục tiêu về chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, 5 năm của địa phương, đơn vị; thực hiện ngay từ khâu lập kế hoạch ban đầu với sự tham gia của các ngành, tổ chức có liên quan, đồng thời bố trí kinh phí để thực hiện./.
Theo Lại Thìn/VOV online