Những con lợn bệnh tiêm toét bắp không thể cứu chữa được và những con sùi bọt mép tím thâm lăn ra chết được tư thương đến tận nơi thu mua về, ném xuống ao tù nước đen quánh. Những xác lợn chết này nằm im dưới đáy ao cho đến khi các ông trùm lợn đến nhấc lên cho vào lò quay và lò mổ. Đó là những cảnh tượng không thể hãi hùng hơn mà PV NNVN đã chứng kiến.
“Quạ” săn lợn
Người dân gọi cánh tư thương làm nghề này là những “con quạ” có khả năng “ngửi mùi" lợn ốm chết cực nhanh bằng việc rải số điện thoại đến từng hộ chăn nuôi và cài “chim lợn” khắp vùng.
2 km2 - 1 tư thương
Trong cái nắng cháy da, vùng chăn nuôi lớn nhất tỉnh Hà Nam- các huyện Bình Lục, Lý Nhân nồng nặc mùi hôi của lợn và mùi thối của nước thải, phân chuồng. Và đó được cho là một trong những nguyên nhân làm cho lợn bị bệnh, ốm chết ở vùng này ngày một tăng lên.
Giữa trưa, vùng chiêm trũng này tĩnh lặng, nhưng chiếc cầu gỗ bắc qua dòng Châu Giang nối xã Hưng Công (Bình Lục) và Nhân Chính (Lý Nhân) vẫn có hàng chục chiếc xe máy chuyên dụng của tư thương săn lùng lợn ốm chết vượt sông. Người chốt chiếc cầu bảo, mấy hôm nay trời nắng như đổ lửa, lợn con lợn to chết la liệt, vì thế tư thương về thu mua lợn chết đông lắm. Tôi thu tiền cầu 1.000đ/lượt xe máy do đó nguồn thu cũng tăng lên đáng kể.
Lẻ loi giữa con đường đá ít đất nhiều, bà Trần Thị Hiền, xã Nhân Chính (Lý Nhân) mặt rầu rĩ nói với tôi: “Cấy mấy sào ruộng được lãi vài trăm ngàn thì đóng góp cho chính quyền hết. Nuôi lợn nái gần đến lúc xuất chuồng, cả đàn lợn con lăn ra ốm. Tôi đang chờ tư thương đến bán, vớt vát được đồng nào thì được”. Vài phút sau, một tư thương phóng chiếc En -rồ đến hỏi: Bà bán mấy con? Bà Hiền hỏi lại: Thế không phải chỗ chú “Thanh Sản lợn ốm chết” à? Không, tôi ở Nhân Khang, bán cho ai chả là bán, bà có bán không hay để nó thối trong chuồng?.
|
Mổ thịt lợn chết rồi "tuồn" ra thị trường |
Lúc đầu, bà Hiền định bán cả 7 con trong chuồng, nhưng vì đã tiêm mất trăm ngàn tiền thuốc, bà bảo “Thôi tôi bán 2 con chết rồi thôi, còn nước còn tát chú ạ, lúc nào chết, tôi gọi chú nhé”. Tư thương tên Thuỷ bốc 2 con lợn chết nằm ở gốc cây mỗi con nặng khoảng 7kg lên xe, dí cho bà Hiền 120 ngàn đồng và số điện thoại rồi vội vã nhảy lên xe phóng vụt đi. Bà Hiền mân mê 120 ngàn đồng rơm rơm nước mắt, vì lẽ ra nếu 2 con lợn đó khoẻ mạnh, giá của nó phải lên tới 800 ngàn đồng...
Người dân cho hay, vào chiều tối, không khó để gặp được các tư thương đi thu mua lợn chết. Còn nếu muốn tìm nhà của họ thì đến làng nào cũng có, thấy nhà nào to đẹp nhất, có biển thu mua lợn ốm chết to đùng treo ngoài cổng, đấy chính là nhà họ.
Tôi rồ ga đuổi theo chiếc En - rồ của tư thương Thuỷ nhưng không kịp. Hỏi chuyện lão nông tên Kiêm đóng gạch bên đường, người mà tôi vừa nhìn thấy trong tầm mắt đã nhận tiền của Thuỷ mới biết Thuỷ vừa tạt vào xóm dưới bắt 1 con lợn chết nữa. Còn việc lão Kiêm nhận tiền của Thuỷ, lão giải thích: “Tôi là “chim” lợn phụ trách vùng này. Hễ ai có lợn chết ở xóm này tôi gọi điện cho các tư thương, chú nào đến bắt thì trả cho tôi 10 ngàn đồng…một phát. Có ngày chả được phát nào, có ngày cũng làm được dăm bẩy phát.”
|
Vô tư giăng biển thu mua gia súc sống, chết |
Lượn một vòng xe máy, đến trung tâm xã Nhân Chính (Lý Nhân) có “Thanh Sản lợn ốm chết”; đến xã Nhân Khang (Lý Nhân) có “Thuỷ Mỹ lợn ốm chết”; đến Đạo Tú (Lý Nhân) có “Phi lợn ốm chết”, “Kiều lợn sề chết”; đến xã Bồ Đề (Bình Lục) có “Gieo Hoạ lợn ốm chết”; đến Bình Nghĩa (Bình Lục) có “Hiển lợn ốm chết”, “Long lợn ốm chết”; đến Tràng An (Bình Lục) có “Chiến Mão lợn ốm chết”…Cứ khoảng 2km2 có một tư thương thu mua lợn ốm chết, tương đương với khoảng 1 xã. Với những vùng có nhiều hộ chăn nuôi lợn thì có đến 4-5 tư thương, như Đạo Tú (Lý Nhân), Bình Nghĩa, Bồ Đề (Bình Lục)…
Mạng lưới thu mua chuyên nghiệp
Để mua hết số lợn ốm chết của dân, một mạng lưới thu mua đã được tổ chức hết sức chuyên nghiệp. Ở thôn xóm thì có các “chim lợn”, ở xã thì có tư thương, ở cụm xã thì có các “ông trùm”. “Chim lợn” ở thôn, xóm làm nhiệm vụ báo tin các địa chỉ có lợn ốm chết cho tư thương. Tư thương đến mua mang về nhà trữ. Nếu có mối hàng riêng thì bán trực tiếp cho các mối hàng từ Hà Nội, Thái Bình, Nam Định về lấy.
|
Thịt lợn chết biến thành món thịt quay vàng rộm |
Tuy nhiên, hầu hết các mối hàng ở tỉnh ngoài đều do các “ông trùm” có khả năng tài chính tốt hơn nắm giữ, vì vậy các tư thương chủ yếu là bán ra ngoài qua các “ông trùm” này. Ở vùng Nhân Chính, Nhân Khang (Lý Nhân) có “ông trùm” Thanh Sản chuyên bán cho các mối hàng tại tỉnh Thái Bình, Nam Định. Vùng Bình Nghĩa, Tràng An (Bình Lục) có ông trùm Hiệp Lan chuyên bán cho các mối hàng ở Hà Nội, Nam Định và đi miền Nam. Vùng Điệp Sơn, Yên Nam (DuyTiên) có ông trùm Vượng Phúc chuyên bán cho các mối hàng tại Hà Nội… Với việc tổ chức một mạng lưới thu mua như thế này, ngay cả khi người dân có lợn chết muốn vứt đi, chưa kịp vứt đã có tư thương đến dí tiền vào tay mang lợn đi rồi.
Cũng vì “quạ" mua lợn ốm chết được tổ chức thành một mạng lưới rất chuyên nghiệp và có mối liên hệ mật thiết với nhau, nên họ phân chia các khu vực thu mua rất rõ ràng. Trong ngôn từ của mạng lưới này, mỗi tư thương phụ trách một khu vực được gọi là “quân khu”.
|
Lợn chết trên đường vận chuyển |
Ví dụ Thuỷ Mỹ phụ trách quân khu Nhân Khang (Lý Nhân), Long Triệu phụ trách quân khu Bắc Bình Nghĩa (Bình Lục). Chỉ trong trường hợp các tư thương ở quân khu đó không mua thì tư thương khác mới được đến mua, hoặc tư thương ở khu vực khác đến mua phải thông báo cho các tư thương sở tại.
Mua lợn chết lời hơn lợn ốm nhiều. Vì thực tế khách Hà Nội hay Thái Bình về thu mua chả cần nó còn sống. Miễn là chưa có mùi thối là được, còn nó phồng lên vì đầy hơi, thâm tím, đốm đuôi, mẩn đỏ…đều được hết. (“Long Triệu lợn ốm chết” ở Bình Nghĩa, Bình Lục)
Sự phân chia rạch ròi này tạo ra một giá thu mua lợn ốm chết rẻ như bèo và khá thống nhất. Trung bình, lợn con từ 6kg trở xuống đã chết, giá chỉ 20 ngàn đồng, sống 30 ngàn đồng; lợn từ 8-25kg chết chỉ từ 50-80 ngàn đồng, sống chỉ 100-120 ngàn đồng. Đối với lợn từ 50kg trở lên xuống đến 25kg chết giá chỉ 150-200 ngàn đồng…Lợn sề chết, giá 500 ngàn đồng.
Tư thương Thuỷ Mỹ phụ trách quân khu Nhân Khang (Lý Nhân) cho hay, vào bất kỳ thời điểm nào cả ngày lẫn đêm, dân có lợn chết từ 2 con trở lên là lên đường đi lấy ngay. Trong một ngày, có 2 chuyến các chủ hàng ở các tỉnh về lấy hàng vào buổi sáng và buổi tối. Một số chủ nhỏ thì dùng xe máy đến chở, chủ lớn thì dùng ôtô bịt kín thùng.
Không cần tủ lạnh, không cần đá ướp, các tư thương đã làm thế nào để giữ những con lợn chết 2-3 ngày không bị thối rữa? Mời các bạn đón đọc vào số báo sau.
Theo NNVN