Vừa qua, Bộ Công an - Cơ quan thường trực phòng, chống ma túy đã tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến góp ý dự thảo Chiến lược quốc gia phòng, chống ma tuý ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng 2030. Thượng tướng Lê Thế Tiệm- Uỷ viên TW Đảng, thứ trưởng Bộ Công an dự và chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, đa số ý kiến của các đại biểu đã tập trung phân tích đồng thời nêu bật nguyên nhân và những tồn tại, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các Chương trình, Kế hoạch tổng thể phòng, chống ma túy qua các giai đoạn 1996 - 2000, 2001 - 2005 và Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2010 đặc biệt là việc đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Về chủ trương xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống ma túy, các đại biểu đều nhất trí cần thiết phải xây dựng Kế hoạch dài hạn, tập trung các chủ trương, giải pháp mạnh để giải quyết triệt để tệ nạn ma túy trong nước; Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược nhằm hòa nhập với định hướng chung trong khu vực và trên thế giới trong đấu tranh, bài trừ tệ nạn ma túy. Các ý kiến tham gia vào dự thảo Chiến lược đều đưa ra các nội dung, giải pháp cụ thể để Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy là định hướng quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp các ngành, các tầng lớp nhân dân đối với công tác này. Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy là sự kết tinh trí tuệ, ý chí, biểu thị sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong đấu tranh hướng tới mục tiêu sớm loại bỏ tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội.
Phát biểu kết luận hội nghị, thượng tướng Lê Thế Tiệm cho rằng: Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy được xây dựng trên cơ sở đúc kết, kế thừa có chọn lọc những bài học kinh nghiệm quý báu về chỉ đạo và quản lý công tác phòng, chống ma túy qua các giai đoạn, các thời kỳ. Chiến lược cũng đề ra các định hướng nhằm chuyển đổi tình hình tệ nạn ma túy ở nước ta, tháo gỡ khâu khó khăn nhất hiện nay như định hướng về tổ chức công tác cai nghiện, phòng, chống tái nghiệm, định hướng triển khai các giải pháp giảm tác hại... Bên cạnh đó Chiến lược cũng đã đề ra các giải pháp cụ thể nhằm kiểm soát ngăn chặn các loại tiền chất hóa chất không để tội phạm ma túy sản xuất trái phép ma túy tổng hợp ngay tại Việt Nam cũng như việc giải quyết cơ bản tình hình tệ nạn và tội phạm trong nước. Phòng chống ma tuý phải kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giảm cung đi đôi với giảm cầu, nâng cao tỷ lệ phát hiện, điều tra, bắt giữ tội phạm về ma tuý, thu giữ các chất ma tuý. Tiếp tục tăng cường chỉ đạo, đầu tư, tuyên truyền, đẩy mạnh phối hợp liên ngành, xã hội hoá công tác phòng chống ma túy, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, phát triển kinh tế ổn định, bền vững.
Theo Báo điện tử ĐCS VN