Cập nhật: 13/12/2009 15:35:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mới đây, phát biểu tại phiên họp cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an LHQ thảo luận về vấn đề buôn lậu ma túy toàn cầu, Tổng Thư ký LHQ (TTK LHQ) Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) đã cảnh báo buôn bán ma túy đang đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế.

Ông lưu ý rằng sự hợp tác giữa các nước và các khu vực trong cuộc chiến chống buôn lậu ma túy không tương xứng với sự câu kết ngày càng khăng khít trong mạng lưới tội phạm có tổ chức trên thế giới. Buôn lậu ma túy đã và đang thổi bùng lên cuộc chiến ở Ápganixtan, Côlômbia và Mianma, làm lan rộng tình trạng bạo lực ở Tây Phi, Trung Á, Trung Mỹ và Caribê, đe dọa các nỗ lực khôi phục hòa bình ở Ápganixtan, Haiti, Ghinê Bítxao, Libêria, Xiêra Lêôn và nhiều nơi khác. Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC) nhấn mạnh "những diễn biến mới rất đáng lo ngại" trước việc côcain được chuyển từ Tây và Đông Phi; toàn bộ số côcain của các nước khu vực sa mạc Xahara đổ về phương Tây và 30-35 tấn hêrôin từ Ápganixtan được đưa tới phương Đông... Buôn bán ma túy đã phát triển thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn bao giờ hết, tác động lớn đến tất cả các nước và khu vực trên thế giới.

TTK LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi các nước tăng cường ý chí chính trị và hợp tác giữa các nước và với tổ chức Cảnh sát quốc tế (INTERPOL), cũng như dành nguồn tài lực xứng đáng để tăng cường cuộc chiến chống buôn lậu ma túy. Tính chất xuyên quốc gia của tội phạm này đòi hỏi một đường lối quốc tế toàn diện trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm mạnh mẽ nhằm giảm nhu cầu ở nước tiêu thụ, thúc đẩy giải pháp tìm loại cây trồng thay thế các loại cây dùng để chiết xuất ma túy, đồng thời ngăn chặn các đường dây buôn bán ma túy.

 

Cùng ngày 9/12, tại thành phố Anmatư (Almaty) của Cadắcxtan, với sự hỗ trợ của LHQ, Trung tâm Thông tin và Phối hợp khu vực Trung Á (CARICC) đã được khai trương nhằm chia sẻ thông tin tình báo của các nước Trung Á chống lại hoạt động buôn bán ma túy từ Ápganixtan. Trung tâm này là dự án của Cơ quan ma túy và tội phạm LHQ (UNODC) nhằm giúp 5 nước Trung Á là Cưrơgưxtan, Cadắcxtan, Tuốcmênixtan, Tátgikixtan, Udơbêkixtan cũng như hai nước khác là Nga và Adécbaidan phối hợp, chia sẻ thông tin cùng nhau đấu tranh với hoạt động buôn bán ma túy.

 

Theo UNODC, hàng năm có từ 75-80 tấn hêrôin được vận chuyển từ Ápganixtan, nơi sản xuất 90% lượng ma túy của thế giới, tới Nga đi qua khu vực Trung Á và các nước Trung Á chỉ bắt giữ được khoảng 5% số ma túy này./.

 

 

Theo TTXVN

 

Tệp đính kèm