Cập nhật: 24/12/2009 22:04:43 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đến thời điểm này, có thể coi năm 2009 là “điểm rơi” của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu. Vì vậy tình hình vi phạm, tội phạm kinh tế trong nước năm qua cũng diễn biến hết sức phức tạp, nổi lên là hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi. 

Ngân hàng - đích ngắm của tội phạm

 

Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng năm qua lực lượng CSĐT tội phạm kinh tế đã phát hiện 31 vụ, khởi tố 21 vụ/37 bị can. Thiệt hại do tội phạm gây ra hàng trăm tỷ đồng, hơn 2 triệu USD, Euro và hàng trăm lượng vàng. Thủ đoạn nổi lên là lập báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh lỗ thành lãi, tài sản thế chấp khống; lập dự án, doanh nghiệp, danh sách cán bộ nhân viên “ma”; hợp đồng thuê kho, hợp đồng kinh tế, hóa đơn VAT, sổ tiết kiệm giả, vay tiền sử dụng tiền sai mục đích.

 

Quá  trình điều tra các vụ án cho thấy, phần lớn vụ án có sự tiếp tay trực tiếp hoặc gián tiếp của cán bộ ngân hàng như lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, lợi dụng sơ hở trong việc quản lý hệ thống máy tính, giả mạo chữ ký của lãnh đạo ngân hàng và của khách hàng, thông đồng với đối tượng của ngân hàng khác hoặc ngoài xã hội chiếm đoạt một số lượng lớn tiền rồi bỏ trốn. Cụ thể, vụ Đặng Thành Nam, cán bộ một chi nhánh ngân hàng ở Đắc Lắc đã lừa đảo chiếm đoạt 9 tỷ đồng; Nguyễn Văn Phú và Nguyễn Thị Thanh Mai ở Bắc Ninh lừa đảo hai ngân hàng TMCP gần 40 tỷ đồng...

 

Tình trạng cán bộ ngân hàng cấu kết với một số đối tượng ngoài xã hội tạo thành đường dây, ổ nhóm để thực hiện hành vi phạm tội đang diễn ra đáng lo ngại. Doanh nghiệp hoặc cá nhân muốn vay được vốn của ngân hàng phải thông qua tổ chức này để chúng hưởng phần trăm các món vay.

 

Tội phạm có yếu tố nước ngoài gia tăng

 

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu dẫn đến tình trạng thất nghiệp trên thế giới tăng cao. Nhiều đối tượng là người nước ngoài vào Việt Nam với danh nghĩa đi du lịch nhưng thực chất là tìm cơ hội để thực hiện hành vi phạm tội. Chúng đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo, trộm cắp, sử dụng thẻ ATM giả để rút tiền. Một số máy ATM của ngân hàng đã bị một số người nước ngoài hoá trang kín mặt, gắn camera bí mật để đọc trộm mật khẩu tài khoản của các chủ thẻ nhằm chiếm đoạt tài sản.

 

Đặc biệt, lợi dụng các doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất kinh doanh, một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự xưng là đại diện tổ chức tài chính quốc tế có khoản tín dụng lớn đang tìm đối tác cho vay với lãi suất hấp dẫn, thời gian vay dài và phải ký quỹ từ 5- 10% vốn đối ứng. Sau khi tìm được “con mồi” chúng dùng chữ ký giả các hồ sơ, giấy tờ liên quan để chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp.

 

Cụ  thể, Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Hà đã sử dụng giấy tờ giả mạo của một số cơ quan nước ngoài lừa đảo 3 triệu USD của 3 công ty và 7 cá nhân. Vụ Ngô Bá Phiếu - Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phú An tại Hải Phòng với thủ đoạn trên đã chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của các doanh nghiệp. Hay như vụ Nguyễn Đình Chiến, nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại Bắc Hà lừa đảo chiếm đoạt trên 20 tỷ đồng với thủ đoạn hứa cho Trường đại học dân lập Nguyễn Trãi vay 100 triệu Euro để xây dựng trường, nhưng phải ứng trước 20 tỷ đồng "hoa hồng". Sau khi nhận tiền, Chiến không thực hiện điều khoản như đã cam kết với khổ chủ.

Những vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán giảm

 

Đáng mừng năm qua, những vi phạm, tội phạm trên thị trường chứng khoán đã giảm so với cùng kỳ năm 2008. Nguyên nhân được các cơ quan chức năng xác định là do có nhiều văn bản pháp luật được bổ sung kịp thời. Công tác quản lý, thanh tra của UBCKNN cũng đã được tăng cường hơn. Phần lớn các vụ vi phạm, tội phạm chứng khoán đã phát hiện đều được xử lý nghiêm, tính răn đe cao.

 

Hãy luôn tỉnh táo, cẩn trọng khi đầu tư chứng khoán (ảnh minh họa)

 

 

Tuy nhiên, trong năm 2009, UBCKNN cũng phát hiện nhiều vụ việc vi phạm và đã ra 33 quyết định xử phạt hành chính đối với các hành vi sai phạm là công ty đại chúng vi phạm quy định chào bán cổ phiếu ra công chúng; vi phạm về báo cáo thông tin và các quy định về giao dịch chứng khoán; phao tin đồn thất thiệt, thông tin nội gián, công bố thông tin sai lệch. Trong đó nổi bật, lực lượng CSĐT tội phạm kinh tế đã phát hiện vụ Nguyễn Phương Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn tài chính IC lừa đảo trong việc mua 100.000 cổ phần của một ngân hàng gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

 

Một số lĩnh vực kinh tế khác như thuế, đất đai, xuất khẩu lao động, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm cũng diễn biến phức tạp. Song, với tinh thần cương quyết tấn công tội phạm đến cùng, lực lượng CSĐT tội phạm kinh tế các cấp đang từng bước làm tốt công tác chủ động phòng ngừa và tích cực điều tra làm rõ các vụ án kinh tế để đề nghị truy tố, xét xử nghiêm minh loại tội phạm này trước pháp luật./.

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm