Cập nhật: 21/01/2010 20:58:41 Article Rating
Xem cỡ chữ

HĐXX đã tuyên phạt: Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù, quản chế 5 năm tại địa phương nơi bị cáo cư trú; Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù, quản thúc 3 năm; Lê Công Định và Lê Thăng Long mỗi bị cáo 5 năm tù và quản thúc 3 năm.

 

Như tin đã đưa, hôm nay, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Trần Huỳnh Duy Thức và đồng bọn phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. 18 giờ chiều nay, Tòa đã tuyên án với từng bị cáo.

 

Tại phiên tòa, Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố đã đọc bản luận tội đối với từng bị cáo và cho rằng: Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm an ninh quốc gia. Theo đó, bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Internet Một Kết Nối, đã chủ mưu thành lập “Nhóm nghiên cứu Chấn”, lôi kéo một số người tham gia nhằm lật đổ chính quyền. Thức đã câu kết với tổ chức phản động có tên gọi “Đảng Dân chủ Việt Nam” cùng Lê Công Định bàn bạc, thống nhất phương thức hoạt động của nhóm, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Thức đã cho đăng nhiều bài viết xuyên tạc, chống đối sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ.

 

Bị cáo Lê Công Định tham gia tổ chức phản động này từ tháng 6/2008 và được phân công vào Ban thường vụ, từng tham gia khóa huấn luyện về phương pháp đấu tranh “bất bạo động” lật đổ Nhà nước của tổ chức phản động “Việt Tân”. Định được giao nghiên cứu, soạn thảo chỉnh sửa bản “điều lệ” và “Tân hiến pháp” của bọn phản động người Việt lưu vong do Nguyễn Sỹ Bình từ Mỹ chuyển về nhằm thay thế Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam nếu âm mưu lật đổ chính quyền của chúng thành công.  

 

Bị cáo Lê Thăng Long tham gia “Nhóm nghiên cứu Chấn” của Trần Huỳnh Duy Thức. Nhằm triển khai kế sách “Đoài đánh Đoài”, Long tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII với kế hoạch tạo vị trí trong cơ quan quyền lực cao nhất để tiếp cận, tác động lãnh đạo cao cấp ủng hộ hoạt động của nhóm. Tháng 4/2007, Long tách khỏi “Nhóm nghiên cứu Chấn” và tự thành lập “Phong trào chấn hưng nước Việt”, lập website và một số câu lạc bộ... để viết bài có nội dung chống phá Nhà nước.

 

Với Nguyễn Tiến Trung, trong thời gian du học tại Pháp, đã thành lập tổ chức phản động “Tập hợp thanh niên dân chủ” nhằm hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước ta. Trung còn tham gia “Đảng dân chủ Việt Nam”, làm ra 50 đầu tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước, tàng trữ 13 tài liệu, trong đó có “cương lĩnh, điều lệ” của “Đảng dân chủ Việt Nam”. Trước tòa, các bị cáo: Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định thừa nhận hành vi phạm tội, ân hận về hành vi của mình và xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Bị cáo Nguyễn Tiến Trung nói: “Tôi thấy rằng việc lật đổ vai trò lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam là vi phạm vào điều 79 của Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam. Tôi rất ân hận”.

 

Còn đây là những lời thú tội của Lê Công Định: “Thứ nhất, xét về hành vi khách quan, luật pháp và Hiến pháp của Việt Nam đã quy định và bảo vệ quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam cho nên những lời kêu gọi đa nguyên đa đảng mặc nhiên là muốn thay đổi thể chế chính trị hiện nay và những tổ chức nào chủ trương đa nguyên đa đảng là đương nhiên vi phạm vào điều 79 Bộ luật Hình sự. Đảng Dân chủ Việt Nam là 1 tổ chức có cương lĩnh và mục địch kêu gọi đa nguyên đa đảng như tôi đã trình bày trong phiên xử sáng nay mà tôi thì tham gia vào tổ chức này nên tôi đã vi phạm điều 79 của Bộ luật Hình sự”.

 

Mặc dù các bị cáo Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy Thức quanh co chối tội, không thừa nhận hành vi sai trái của mình, nhưng theo Viện Kiểm sát, kết quả điều tra và lời khai của các bị cáo khác trước tòa đã khẳng định vai trò chủ mưu và tích cực tham gia các tổ chức phản động chống phá Nhà nước Việt Nam của hai bị cáo.

 

Xét hành vi phạm tội của các bị cáo, căn cứ qui định của pháp luật, cuối buổi chiều nay, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt: Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù, quản chế 5 năm tại địa phương nơi bị cáo cư trú; Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù, quản thúc 3 năm; Lê Công Định và Lê Thăng Long mỗi bị cáo 5 năm tù và quản thúc 3 năm. Thời hạn chịu án tính từ ngày các bị cáo bị bắt tạm giam. Thời gian quản chế tính từ ngày các bị cáo thi hành xong án tù.

Phiên tòa kết thúc sớm hơn 1 ngày so với dự kiến./. 

 

 

Theo vovnews.vn.

Tệp đính kèm