Ngày 20-5, Nghị định 34/2010/NÐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực thi hành. Ðiểm mới của nghị định này là áp dụng mức phạt cao hơn, tăng quyền cho các cơ quan chức năng, thí điểm chế tài mạnh hơn đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành ở hai đô thị loại đặc biệt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Những vi phạm luật giao thông ở nội thành áp dụng mức phạt riêng
Ðồng chí Thân Văn Thanh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: Nhiều năm qua, việc xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ chưa cao, chưa thật sự tác động đến ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Nghị định 34/2010/NÐ-CP ra đời, quy định về các hành vi vi phạm, mức phạt tiền rất cụ thể, rõ ràng và chế tài mạnh hơn đối với các vi phạm, nhằm tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tại mục 7, chương II, có nội dung "Áp dụng thí điểm đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt". Theo đó, những hành vi như không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn biển báo, vượt tốc độ, sử dụng bia, rượu quá nồng độ cho phép,... sẽ được áp dụng thí điểm mức phạt riêng, cao hơn so với mức quy định chung từ 40 đến 200%. Ðây là những hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn và ùn tắc giao thông nghiêm trọng đối với khu vực nội thành nhưng người tham gia giao thông lại thường hay mắc những lỗi này. Thí dụ, lỗi đỗ dừng xe ô-tô trên đường phố gây ùn tắc; vượt đèn đỏ; xe gắn máy đi vào đường cấm,... sẽ bị phạt ở mức cao hơn tới 200%. Việc thí điểm áp dụng mức phạt cao hơn tại các khu vực nội thành sẽ được tiến hành trong 36 tháng. Hằng năm, Bộ Giao thông vận tải sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Công an và UBND hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện thí điểm. Sau 36 tháng, sẽ tổng kết đánh giá việc thực hiện thí điểm và báo cáo Chính phủ, đề xuất chủ trương thực hiện tiếp theo.
Các lỗi vi phạm cũng tăng mạnh mức phạt
Một trong những điểm mới của Nghị định này là người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng cách sẽ bị phạt từ 100 đến 200 nghìn đồng. Người điều khiển xe mô-tô nếu chở thêm hai người sẽ bị phạt đến 200 nghìn đồng (tăng gấp hai lần so với trước), trừ trường hợp chở người bệnh, trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải đối tượng vi phạm pháp luật. Người điều khiển ô-tô chuyển làn đường sai quy định, sử dụng đèn pha (chiếu xa) trong khu đô thị,... bị phạt tới 500 nghìn đồng, cao hơn trước đó 250%. Nhìn chung, mức tiền phạt các hành vi vi phạm quy định ở nghị định này hầu hết đều tăng từ 50 đến 150% so với quy định tại Nghị định 146/2007/NÐ-CP, nhằm tăng khả năng răn đe, giáo dục phòng ngừa. Thí dụ, đối với người điều khiển ô-tô chạy quá tốc độ hơn 35 km, trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở, hoặc trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng (mức cũ 3 đến 5 triệu đồng). Tương tự, người điều khiển xe gắn máy, mô-tô (kể cả xe máy điện) sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định, xử phạt từ 200 đến 400 nghìn đồng. Các "tổ lái" có hành vi lạng lách, đánh võng, "bốc đầu", buông hai tay, lái xe bằng... chân, gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép,... sẽ bị phạt từ 5 đến 7 triệu đồng (cao hơn trước 1 đến 2 triệu đồng).
Còn nhiều vấn đề cần hướng dẫn chi tiết
Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đến nay đã qua sáu lần sửa đổi, mỗi lần mức phạt đều được nâng lên cao hơn trước. Việc xây dựng mức phạt dựa trên mức thu nhập bình quân, khả năng thanh toán và chi trả của người dân. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành giao thông cũng như lực lượng chức năng, mức phạt của nghị định này trong thời điểm hiện nay là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế của từng vùng, miền, khu vực có khác nhau, cùng một mức phạt, đối với người ở thành phố, thị xã chỉ là "chuyện nhỏ" nhưng với người dân vùng nông thôn, miền núi lại không nhỏ chút nào. Việc áp dụng thí điểm mức xử phạt riêng tại khu vực nội thành, cho đến nay, cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn chưa nơi nào ra được quy định cụ thể phạm vi khu vực nội thành vì chưa có tiêu chí cụ thể xác định thế nào là nội thành, thế nào là ngoại thành, nhất là tại Thủ đô Hà Nội. Chẳng hạn, thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km sẽ là nội thành hay ngoại thành? Kể cả sau này, tại các vùng giáp ranh giữa nội thành và ngoại thành, lực lượng chức năng cũng sẽ gặp phải những khó khăn nhất định khi xử phạt vi phạm. Chẳng hạn, một số tuyến đường cửa ngõ Thủ đô kéo dài, xuyên qua nhiều quận, huyện như tuyến Phạm Văn Ðồng nối đường Thăng Long - Nội Bài đi qua cả quận Cầu Giấy, Tây Hồ, huyện Từ Liêm và Ðông Anh, như vậy, cùng một tuyến đường, sẽ phải áp dụng nhiều mức phạt khác nhau. Ðiểm đặc thù ở nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội hiện nay là thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông còn hơn cả một số điểm nội thành, rất cần mức xử phạt nghiêm để tăng tính răn đe, nhưng người vi phạm vẫn được "ưu đãi". Mặt khác, áp dụng thí điểm mức phạt cao hơn ở khu vực nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhưng lại không quy định tăng thẩm quyền cho lực lượng CSGT và thanh tra giao thông làm nhiệm vụ tại đây cũng là việc cần phải xử lý và có hướng dẫn cụ thể. Một số quy định của nghị định cũng chưa thật sự hợp lý, tại Ðiều 20 quy định mức phạt cho các lỗi về điều kiện của phương tiện như đèn, phanh, gương,... những thiết bị an toàn bắt buộc, cần thiết đối với xe mô-tô, gắn máy là quá nhẹ (80 đến 200 nghìn đồng) trong khi quy định về không đội mũ bảo hiểm cũng có mức phạt tới 200 nghìn đồng. Thậm chí, quy định về chất lượng mũ bảo hiểm cũng không được đề cập để hạn chế tình trạng mũ rởm đang bán rất nhiều hiện nay. Một vấn đề nữa không thể không nhắc tới, khi tăng mức xử phạt, tăng thẩm quyền cho lực lượng CSGT và thanh tra giao thông sẽ rất dễ nảy sinh các hiện tượng tiêu cực, cần có biện pháp kiểm tra, giám sát một cách hiệu quả.
Theo các chuyên gia, trong thời gian đầu khi nghị định mới đi vào cuộc sống, có thể sẽ gặp phải một vài vướng mắc, nhưng về cơ bản sẽ tạo ra bước chuyển biến mới trong nhận thức của người dân, có tác dụng răn đe đối với các hành vi vi phạm. Nếu được người dân đồng thuận, nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, trật tự an toàn giao thông kỳ vọng sẽ được lập lại một cách cơ bản hơn, hiệu quả hơn.
Theo NDOnline