Cập nhật: 01/06/2010 15:27:50 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thực tế, rất ít người bị phạt tiền về hành vi hút thuốc lá ở những nơi công cộng; cũng chưa ở đâu thành lập hoặc trao thẩm quyền cụ thể cho người phát hiện, lập biên bản, xử phạt hành chính người có hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.

Đã từ lâu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra nhiều khuyến cáo về việc phòng, chống tác hại của thuốc lá. Công tác tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá không ngừng được tăng cường trong những năm qua. Ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam đã ban hành các quy định về cấm hút thuốc lá nơi công cộng, cơ quan, công sở với mức phạt nghiêm khắc để răn đe người có hành vi hút thuốc lá không đúng nơi quy định. Tại Việt Nam, tỉ lệ người hút thuốc lá còn khá cao, nhất là độ tuổi thanh thiếu niên. Nguyên nhân là cùng với việc tuyên truyền thì các biện pháp thực thi những quy định hiện hành chưa tốt.

 

Công ước Khung của WHO về kiểm soát thuốc lá có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 17/3/2005, với nhiều điều khoản về chống tác hại của thuốc lá. Những quy định này có tính khuyến cáo, gợi ý và tính ràng buộc đối với những quốc gia tham gia Công ước. Trước và sau ngày Công ước này có hiệu lực đối với Việt Nam, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định cấm hút thuốc lá.

 

Đó là: “Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”; Nghị định 45/2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định mức phạt (cảnh cáo hoặc phạt tiền) đối với hành vi hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng; hoặc Quyết định số 129 của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/8/2007 ban hành Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước “Cấm hút thuốc lá trong phòng làm việc”; Quyết định 1315 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ: “Từ 1/1/2010, cấm hút thuốc ở lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng; tiến tới cấm hút thuốc lá tại tất cả những nơi công cộng trong nhà vào năm 2010”.

 

Một văn bản pháp luật có tính khả thi cao, khi bên cạnh sự “bắt buộc tuân thủ” phải có thêm “sự đồng bộ” khác. Đó là điều kiện xã hội, thói quen, tập quán, môi trường, điều kiện vật chất… Nhưng đối với các quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá hiện hành thì những “sự đồng bộ” đó còn thấp, nên tác dụng chưa nhiều.

 

Thực tế, rất ít người bị phạt tiền về hành vi hút thuốc lá ở những nơi công cộng nêu trên; thực tế cũng chưa ở đâu thành lập hoặc trao thẩm quyền cụ thể cho người phát hiện, lập biên bản, xử phạt hành chính người có hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Hoặc nếu có thành lập cũng khó thực hiện được vì thực tế giữa mức phạt và thu nhập; điều kiện phát hiện, lập biên bản, cưỡng chế và quyết định xử phạt không tương đồng.

 

Mặt khác nhiều cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học, vẫn còn nhiều lãnh đạo cơ quan hút thuốc lá ngay tại nơi làm việc, nên việc xử phạt là không khả thi. Trong khi đó, các quy định về cảnh báo tác hại của thuốc lá trên vỏ bao hiện còn rất mờ nhạt, chưa có tác dụng mạnh mẽ có tính trực quan, ảnh hưởng tới nhận thức của người hút thuốc lá và những người xung quanh.

 

Trên vỏ bao thuốc lá hiện chỉ có cảnh báo như: “Hút thuốc lá có thể ung thư phổi”; “Hút thuốc lá có thể gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính”. Trong khi đó nhiều nước trên thế giới và WHO khuyến nghị, cảnh báo tác hại của thuốc lá trên vỏ bao cần được thực hiện bằng hình ảnh, biểu hiện hậu quả những căn bệnh do hút thuốc gây ra.

 

Hiện nay ở Việt Nam giá bán lẻ thuốc lá còn thấp so với thu nhập bình quân chung của người lao động có thu nhập trung bình trong xã hội. Theo điều tra năm 2002 thì có khoảng 56% nam giới Việt Nam hút thuốc lá, là một trong những nước có rất đông người hút thuốc. Tỉ lệ này ở nữ giới thấp hơn nhưng cũng lên tới gần 2%. Điều đáng ngại là vẫn còn khá nhiều thanh, thiếu niên đua đòi hút thuốc lá.

 

Nếu chỉ vận động mà không mạnh tay xử phạt, thì nhiều người vẫn duy trì thói quen hút thuốc lá nơi công cộng. Trong khi đó, ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá vẫn tiếp tục phát triển với mức thuế (tiêu thụ đặc biệt) ở Việt Nam còn thấp; giá bán lẻ thuốc lá vẫn phù hợp (thậm chí là không đáng kể) so với thu nhập của nhiều người. Chính vì vậy, việc ban hành một đạo luật về phòng chống tác hại của thuốc lá trên cơ sở hoàn thiện tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ thuốc lá, xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá.

 

Thực tế, việc vận động tuyên truyền cần đi đôi với các quy định chặt chẽ, có tính khả thi cao của pháp luật mới có đạt được yêu cầu: sống trong môi trường không khói thuốc lá./.

 

 

Theo vovnews.vn

Tệp đính kèm