Đó là chủ đề cuộc hội thảo khu vực do Bộ Tư pháp tổ chức từ ngày 3- 4/6, tại Hà Nội. Dự hội thảo có ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp và ông Dương Ngọc Ngưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cùng nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực này
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, ở Việt Nam trong những năm gần đây, tình hình buôn bán người mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em diễn biến ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng không chỉ trong khuôn khổ các địa phương mà còn mang tính chất xuyên quốc gia.
Vì vậy, hội thảo sẽ là diễn đàn để các nước trong khu vực Châu Á có thể chia sẻ, tìm hiểu thông tin về các chuẩn mực quốc tế và kinh nghiệm của một số nước trong việc xây dựng và thực thi có hiệu quả pháp luật về phòng chống buôn bán người.
Ông Albert Moskowitz, Chuyên gia Dự án phòng chống buôn bán người khu vực Châu Á cho biết, để tạo được sự tác động và hiệu quả thực sự trong tư pháp hình sự đối với buôn bán người, không chỉ cần một bộ Luật toàn diện về buôn bán người, mà còn cần các văn bản pháp luật liên quan như rửa tiền, tịch thu tài sản, cản trở công lý, tham nhũng…
Bên cạnh đó, thực thi pháp luật cũng là vấn đề cần được giải quyết. Trên thực tế, lực lượng chuyên trách phải chứng tỏ được việc hoạt động cho hiệu quả trong lĩnh vực của mình với sự hỗ trợ của các cán bộ trên tuyến đầu lành nghề và các thẩm phán, công tố viên được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này.
Một vấn đề quan trọng nữa là hỗ trợ nạn nhân sao cho hiệu quả. Ông Albert Moskowitz nhấn mạnh đây là việc làm nhân đạo. Các nạn nhân cần được hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý, học văn hóa, học nghề… và trợ giúp pháp lý.
Hội thảo đã được nghe giới thiệu khái quát về pháp luật của Việt Nam về phòng, chống buôn bán người và các chuẩn mực quốc tế về khái niệm “buôn bán người” cũng như các kinh nghiệm của Thái Lan trong lập pháp và thực thi pháp luật về phòng, chống buôn bán người…/.
Theo Báo điện tử ĐCSVN