Sử dụng trẻ vị thành niên, đối tượng phạm tội đã tạo một tấm bình phong nhằm che chắn cho hoạt động bất hợp pháp của chúng. Những đứa trẻ tội nghiệp khi bị bắt giữ răm rắp nghe theo lời bố, mẹ tuyệt nhiên không khai báo. Nhưng các trinh sát và điều tra viên đã có bí quyết riêng để chinh phục, làm rõ bản chất vụ án...
Cô bé 12 tuổi đen đúa, thân hình nhỉnh hơn đứa trẻ lên 8 ngồi lọt thỏm trong hàng ghế cuối căn phòng, đôi mắt liên láo nhìn xung quanh, trên gương mặt sớm già hơn tuổi không một chút biểu hiện của tâm lý lo sợ hay hoảng hốt. Từ lúc đưa về trụ sở, nó một mực trả lời ba không: "Không nghe, không nhìn và không thấy"…
Trung tá Vũ Ngọc Hương, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) kể lại: Khi đó, anh không vội vàng mà lại gần tỷ tê nói chuyện với H. (tên cô bé). Ban đầu, H. còn cảnh giác nhưng sau đó bớt dè dặt hơn. Anh hỏi chuyện học hành, chuyện bạn bè rồi hoàn cảnh của những người thân trong gia đình… Khi thấy anh đọc vanh vách tên từng người trong nhà, cô bé khá ngỡ ngàng. Cháu buột miệng: "Sao chú lại biết hết các bác, các dì của cháu".
Bị đánh trúng vào tâm lý, H. bắt đầu mở lời, kể lại: Mỗi khi có người gọi điện thoại, mẹ cháu vẫn đưa "hàng" giao cho các chú. Cháu biết đó là ma túy nhưng mẹ bảo làm gì thì cháu làm đấy. Nếu cháu không làm thì không có tiền đi học. Mẹ cháu dặn, nếu có ai hỏi thì phải trả lời là không biết.
Triệt phá tụ điểm ma túy mà đối tượng sử dụng con em vào con đường phạm tội thật không dễ dàng. Thông thường ở các tụ điểm này, đối tượng cầm đầu là những kẻ từng "ra tù vào tội", chúng cực kỳ tinh quái trong thủ đoạn hoạt động. Để triệt phá các tụ điểm phức tạp này, mục tiêu mà lực lượng trinh sát ma túy đặt ra là phải chứng minh được hành vi chủ mưu của đối tượng cầm đầu.
Trở lại tụ điểm phức tạp về ma túy do Bùi Bích Hường, 46 tuổi điều hành… Từ nhiều năm nay, hàng chục cuộc vây ráp quyết liệt đã được lực lượng Công an quận Hoàng Mai tiến hành rầm rộ nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như ý muốn. Hường không trực tiếp "xuất đầu lộ diện" mà sử dụng con gái vào đường dây phạm tội. Trong những vụ án như thế này, chứng cứ là tài liệu quan trọng nhất để buộc đối tượng phải "tâm phục khẩu phục". Khi đó, có hai tình huống nghiệp vụ được Đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an quận Hoàng Mai đặt ra, một là theo dõi sát di biến động của Hường, mặt khác chú ý mọi diễn biến của cháu H.
Đó là những ngày trung tuần tháng 6/2010, Thiếu tá Ngọc Hương cùng anh em có mặt tại địa bàn. Một trong những khó khăn của họ là phải đảm bảo cùng lúc cả yếu tố bất ngờ và bí mật. Ròng rã bao ngày trời, họ đã dựng được toàn bộ thủ đoạn hoạt động của Hường. Thời điểm Đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an quận Hoàng Mai chọn phá án là xế chiều ngày 7/6, lúc đó một cơn mưa lớn bất ngờ đổ xuống khiến việc phá án của các trinh sát có phần thuận lợi hơn vì Hường lơ là hơn. Khi họ ập vào thu giữ trong nhà Hường có 9 gói nhỏ ma túy. Kết hợp thêm lời khai của cháu nhỏ, vụ án đã thành công tốt đẹp nhờ sự tính toán kỹ lưỡng của các điều tra viên.
Trung tá Vũ Ngọc Hương chia sẻ: Trong các vụ án mà trẻ em là vị thành niên phạm tội, cái khó nhất của cơ quan điều tra là phải hiểu được tâm, sinh lý của trẻ. Bởi người chưa thành niên chưa có sự phát triển đầy đủ về thể chất, lẫn tinh thần như người đã trưởng thành. Có những từ ngữ trong Bộ luật Hình sự như "hành vi"… các cháu chưa thể hiểu được. Vì vậy, trong điều tra những vụ án là trẻ vị thành niên cần chọn những điều tra viên có bề dày kinh nghiệm, có sự am hiểu về tâm, sinh lý của trẻ. Việc bồi dưỡng thêm cho lực lượng Công an về các lớp tâm lý trẻ thơ, kỹ năng giao tiếp là rất cần thiết. Hơn nữa để việc phá án đem lại hiệu quả cao, người trực tiếp tham gia phá án phải tìm hiểu nguyên nhân và động cơ xô đẩy các cháu vào con đường phạm tội. Bởi nhiều cháu phạm tội do bị hoàn cảnh… khi đã "chạm" được vào ranh giới ấy, việc phá án sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Điển hình như việc triệt phá động lắc tại quán karaoke "Bờm" ở ngõ 115, phường Định Công, quận Hoàng Mai vào đêm 1/8. Khi Công an quận Hoàng Mai ập vào bắt cùng lúc 26 đối tượng đang sử dụng ma túy tổng hợp, trong đó có 2 đứa trẻ đang ở tuổi vị thành niên, một là con của chủ quán tên là Trần Văn Hòa, tức Bờm. Vào thời điểm bị đưa về trụ sở Công an quận Hoàng Mai, Bờm vừa tròn 16 tuổi…
Ban đầu, Hòa trả lời các câu hỏi của điều tra viên Đoàn Quang Thắng một cách dè dặt. "Cháu không biết gì về việc bố mẹ làm". Rồi nó len lén nhìn sang chỗ bố mẹ đang ngồi gần đó. Trong những trường hợp "đặc biệt" này, phải có những bí quyết riêng vì Hòa biết rõ ở lứa tuổi của nó phạm tội danh này, cơ quan CSĐT chỉ có thể áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Vì vậy, nếu chỉ xét, hỏi theo các biện pháp nghiệp vụ đơn thuần thì sẽ không có kết quả.
Một chút tỷ tê, tác động về tâm lý rồi biết khơi dậy cái tôi trong người cậu thanh niên mới lớn. Khi đó, Hòa buột miệng khai tuồn tuột: "Gia đình tôi mở quán karaoke từ hơn một năm nay, chủ yếu từ 24h hôm trước, đến sáng ngày hôm sau. Số lượng người đến chơi ma túy theo thời gian, lúc vắng thì một phòng, có lúc lên tới 2 phòng và thời điểm cao nhất có khoảng 50 đến 60 người cùng tham gia. Nhân viên trông coi nhà tôi có hai người là Nguyễn Đức Cảnh và Nguyễn Tuấn Duy. Hai anh này được trả lương mỗi tháng 1,2 triệu đồng. Còn Duy được bố mẹ tôi cho thêm mỗi ngày 50 nghìn đồng để chơi điện tử. Ngoài ra, còn có con nuôi của mẹ tôi tham gia vào trông coi cửa hàng. Tôi cũng phải trực cửa hàng, những khi có người lắc thì tôi cũng phải thường xuyên đi lại ngoài đường để kiểm tra xem có Công an theo dõi không. Và mẹ tôi dặn, nếu đi chơi ngoài đường thấy Công an thì cũng phải gọi cho mẹ…".
Từ lời khai của Hòa, cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai đã nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án, đưa các đối tượng có liên quan ra xét xử trước pháp luật. Song những lời khai của cậu bé khiến chúng tôi chợt xót xa… Dưới sự hướng dẫn và chỉ đạo của bố, mẹ là Trần Văn Thuận, 41 tuổi và Trần Minh Nguyệt, 37 tuổi, Hòa và chị gái là Hằng đã trở thành những công cụ đắc lực tiếp tay cho hành vi phạm tội của cha mẹ.
Hiện nay, tại một số địa bàn như tỉnh Lào Cai, TP Hà Nội đã áp dụng phòng điều tra thân thiện, áp dụng cho trẻ vị thành niên. Trong các phòng học này, có các loại đồ dùng như đồ chơi, sách báo. Khi các điều tra viên hỏi cung thì ngồi đối diện với các em sau một tấm kính, với cách này có thể giúp các em có tâm lý dễ chịu, thoải mái khi trả lời các câu hỏi. Điều quan trọng nhất trong các vụ án có đối tượng là trẻ vị thành niên tham gia là khi tiến hành đấu tranh, tránh làm tổn thương đến đứa trẻ
Theo Công An Nhân Dân