Cập nhật: 17/09/2010 16:55:32 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời gian qua, hoạt động buôn bán người vẫn diễn biến rất phức tạp, với tính chất, quy mô và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ.

Nếu không nhanh trí thì có lẽ Phan Thị Ngân ở Lê Chân (Hải Phòng) đã bị bọn buôn người lừa bán trót lọt. Khi nữ quái buôn người tên Thủy ở Nam Ðịnh đưa Ngân ra ga Hà Nội mua vé tàu lên Lào Cai, Ngân đã nhanh trí chạy ra cửa ga cầu cứu nhân viên bán vé. Thủy lập tức chạy xuống thanh minh và kéo Ngân lên tàu nhưng đã bị công an bắt tại chỗ. Trước đó, Ngân và Bùi Thị Nhung (quê ở Hải Phòng) xảy ra mâu thuẫn đánh nhau tại quán in-tơ-nét, ngày 19-6, Nhung phối hợp đồng bọn ép Ngân bán sang Trung Quốc. Mở rộng điều tra, công an quận Ðống Ða bóc gỡ, tóm gọn 19 đối tượng trong đường dây khi chúng đang thỏa thuận mua bán, giao hàng ở Hải Phòng và Lào Cai, giải cứu chín cô gái khỏi "tổ quỷ", trong đó có bảy em dưới 16 tuổi. Thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây rất thâm độc, đe dọa, đánh đập, ép một số nạn nhân viết giấy vay nợ để khống chế buộc bán dâm nhằm che đậy việc mua bán người. Thương tâm nhất là trường hợp một nạn nhân 14 tuổi ở Cát Hải (Hải Phòng) bị các đối tượng ép tiếp khách, nhất quyết chống cự đã bị đánh đập dã man, bỏ đói trong phòng. Chúng khai nhận đã gây ra 11 vụ mua bán phụ nữ, trẻ em để làm gái bán dâm với giá 3-12 triệu đồng. Hầu hết nạn nhân đều có hoàn cảnh éo le, gia đình thiếu quan tâm, nhiều cô gái sớm bỏ học, giao du với phần tử xấu để rồi bị bọn buôn người lừa phỉnh, sa vào chốn bùn nhơ. Theo Thượng tá Nguyễn Viết Thành, Phó trưởng Công an quận Ðống Ða, khi điều tra, khám phá vụ án gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng hoàn toàn không có địa chỉ cố định, thay đổi thường xuyên số điện thoại, không có ảnh để nhận dạng nên không biết mặt. Sự kịp thời của lực lượng công an đã khiến các cô gái thoát khỏi cảnh bị nhấn chìm trong vòng oan nghiệt.

 

Ðó chỉ là một trong 168 vụ buôn bán người xảy ra trong sáu tháng đầu năm 2010, tuy giảm so với năm 2009, nhưng vẫn nóng bỏng ở một số địa phương như Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Hà Nội... Bọn tội phạm dụ dỗ, lừa gạt một số phụ nữ, trẻ em bán vào các nhà hàng, các động mại dâm thuộc vùng giáp ranh theo tuyến quốc lộ, các bãi tắm, khu du lịch trong nước để bóc lột tình dục. Vì lợi nhuận, chúng mua bán trẻ sơ sinh, môi giới hôn nhân cho người nước ngoài làm vợ, điển hình vụ Nguyễn Thị Ngọc Hiền ở Biên Hòa (Ðồng Nai) cùng đồng bọn mua bán 25 trẻ sơ sinh, với giá từ 5 triệu đến 15 triệu đồng một trẻ em. Tình trạng chiếm đoạt, bắt cóc phụ nữ, trẻ em vẫn tiếp tục xảy ra tại các tỉnh biên giới Việt- Trung. Từ năm 2007, đến nay tại Hà Giang đã xảy ra 61 vụ, bắt cóc 84 nạn nhân buôn bán phụ nữ, trẻ em. Nhiều trẻ em Việt Nam bị đưa trái phép sang Thái-lan ép bán hàng rong cho khách du lịch, thậm chí bị bắt hành nghề móc túi hoặc lừa đảo khách du lịch...

 

Với chức năng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 130/CP, Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ ban hành Kế hoạch số 152/BCA về chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; Quyết định số 218/QÐ- TTg phê duyệt thỏa thuận hợp tác Việt Nam - Cam-pu-chia về quy trình chuẩn trong xác định và hồi hương nạn nhân bị buôn bán trở về; tổ chức các hội thảo bàn về sự cần thiết đưa Chương trình 130/CP thành Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống buôn bán người. Các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 130/CP cũng đẩy mạnh phòng, chống buôn bán người, như tập trung cao điểm đấu tranh chống tội phạm này trên tuyến biên giới; tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp với các cơ quan chức năng các nước giải cứu nạn nhân bị buôn bán trở về nước an toàn; tăng cường truyền thông tại cộng đồng, xây dựng chính sách pháp luật; xét xử nghiêm minh các thủ phạm buôn bán người.

 

Với phương châm "phòng ngừa là cơ bản, hướng về cơ sở, phát huy vai trò cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở phường, xã, thôn, bản", Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành đẩy mạnh truyền thông, giáo dục phòng, chống buôn bán người tại cộng đồng, lồng ghép nội dung Chương trình 130/CP với thực hiện Nghị quyết 09/CP, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, "Xóa đói, giảm nghèo", "Thanh niên lập nghiệp" với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", trọng tâm là 104 xã, thuộc 27 tỉnh, thành phố trọng điểm. Trong sáu tháng đầu năm nay, các địa phương tổ chức tuyên truyền được 58.167 đợt cho hơn ba triệu lượt người về phòng, chống MBN; duy trì hoạt động của 3.215 câu lạc bộ; tổ chức 1.325 lớp tập huấn chuyên sâu phòng, chống MBN; cấp phát tài liệu, kẻ vẽ pa-nô, áp-phích, tờ bướm tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho hàng nghìn lượt hội viên, tổ chức dạy nghề cho hơn hai nghìn người...

 

Nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, lực lượng công an và Bộ đội Biên phòng tăng cường điều tra, khảo sát các tuyến, địa bàn trọng điểm; kịp thời xác minh, dựng các đường dây, đầu mối có dấu hiệu phạm tội để xác lập chuyên án và tổ chức đấu tranh triệt xóa, khám phá 145 vụ, bắt 256 đối tượng buôn bán người trong sáu tháng đầu năm. Bộ đội Biên phòng phát hiện mới 23 đường dây, với 67 đối tượng mua bán người; thống kê đưa vào diện quản lý hơn 200 tụ điểm nhà hàng, khách sạn, quán mát xa... ở khu vực biên giới có biểu hiện hoạt động mại dâm, liên quan đến mua bán người; lập hồ sơ theo dõi hơn 1.000 trường hợp phụ nữ Việt Nam tại khu vực biên giới lấy chồng người Trung Quốc, thường xuyên về thăm thân, buôn bán nghi có dấu hiệu móc nối đưa người ra nước ngoài bán. Công tác tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân được duy trì, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những nạn nhân ngay từ khi mới trở về. Lực lượng chức năng tổ chức giải cứu 150 nạn nhân (có 15 trẻ em) từ các vụ án và tiếp nhận thông qua trao trả 268 nạn nhân. Bảy tỉnh biên giới Việt-Trung duy trì giao ban, gặp gỡ, đàm phán, thiết lập đường dây nóng nhằm chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu 45 nạn nhân, trao trả 134 nạn nhân bị buôn bán trở về. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các bộ, ngành tổ chức nhiều cuộc Hội thảo tập trung thảo luận về một số vấn đề chính của dự thảo Luật Phòng, chống buôn bán người; ban hành kế hoạch và tổ chức khảo sát việc kết hôn có yếu tố nước ngoài nhằm sửa đổi Nghị định 69/CP ngày 21-7- 2006; biên soạn sách pháp luật quốc tế về phòng, chống buôn bán người. Hợp tác quốc tế phòng, chống buôn bán người được đẩy mạnh, nhất là với các nước ở tiểu vùng sông Mê Công. Thường trực Ban Chỉ đạo 130/CP thường xuyên hội thảo, trao đổi thông tin về những vấn đề hợp tác với Lào, Trung Quốc, Thái-lan.

 

Tuy nhiên, hiệu quả phòng, chống buôn bán người vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện Chương trình 130/CP còn hình thức, chưa tạo ra được phong trào rộng khắp và thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa và chủ động đấu tranh đối với loại tội phạm này. Công tác tuyên truyền còn dàn trải; việc phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa rộng khắp, nên số người có nguy cơ cao bị mua bán còn nhiều; tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án buôn bán người còn thấp. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân chưa đồng đều và thống nhất; công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn chậm, chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn nên chưa tạo ra hành lang pháp lý cho các cấp, các ngành thực hiện. Khắc phục những tồn tại nói trên đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và đông đảo nhân dân, mới kiềm chế được sự gia tăng tội phạm.

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm