Cập nhật: 11/12/2010 11:28:07 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện nay 2/14 doanh nghiệp Nhà nước ở TƯ có phòng, ban pháp chế độc lập; 3/14 doanh nghiệp có phòng, ban pháp chế trực thuộc văn phòng; 8/14 doanh nghiệp có phòng, ban trên cơ sở kết hợp với công tác khác.

Còn ở địa phương con số này cũng không khả quan là mấy chẳng hạn ở TP Hồ Chí Minh có 3 doanh nghiệp Nhà nước thành lập phòng pháp chế. Câu hỏi đặt ra là vì sao pháp chế doanh nghiệp chưa thực sự đứng đúng vị trí của nó?

 

Vẫn phải nhờ đến tư vấn luật trong và ngoài nước

 

Một thực tế dễ nhận thấy về đội ngũ làm công tác pháp chế doanh nghiệp chính là số lượng còn ít; phần lớn cán bộ doanh nghiệp làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; trình độ chuyên môn pháp lý chưa cao, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác pháp chế chưa nhiều, nhất là kinh nghiệm đàm phám, soạn thảo, ký kết hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài. Hiện, cán bộ pháp chế doanh nghiệp đảm đương rất nhiều công việc từ việc làm đầu mối giúp Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc…; chuẩn bị ý kiến bằng văn bản đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tham gia dự thảo các hợp đồng; tham gia quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng; rà soát văn bản… Để hoàn thành khối lượng công việc này đòi hỏi cán bộ pháp chế phải có một trình độ pháp lý nhất định, cùng với những hiểu biết về các hoạt động liên quan (kinh tế, tổ chức nhân sự…). Điều này, hẳn rất mâu thuẫn với chế độ kiêm nhiệm hiện nay của đa phần các cán bộ pháp chế.

 

Với số lượng cán bộ pháp chế trung bình khoảng 6 - 7 người một đơn vị trong toàn bộ Tập đoàn, Tổng công ty (chẳng hạn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), trong đó không ít người thực hiện công việc kiêm nhiệm thì không thể đáp ứng được yêu cầu của công tác pháp chế. Họ chỉ có thể tập trung vào lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ mà chưa chú trọng tới công tác pháp chế doanh nghiệp. Tại phần lớn các đơn vị (công ty con) bộ phận pháp chế mới được thành lập chưa có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật thương mại quốc tế, thậm chí có đơn vị còn chưa có bộ phận pháp lý chuyên trách, thêm vào đó thường xuyên bị tách ghép hoặc liên tục có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức lãnh đạo, làm cho hoạt động pháp chế thiếu tính chuyên nghiệp, rối việc và hiệu quả thấp.

 

Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chia sẻ do hoạt động trong lĩnh vực dầu khí có tính chất đặc thù, các hợp đồng đều liên quan đến quy định của pháp luật quốc tế, cũng như luật pháp nước ngoài; đặc biệt trong điều kiện hiện nay hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn ngày càng tăng cường cán bộ làm công tác pháp chế tuy cũng đã được phân công theo từng mảng nhưng do số lượng công việc nhiều nên cán bộ vẫn phải kiêm nhiệm nhiều việc trên nhiều lĩnh vực khác nhau nên khó có thể nâng cao trình độ chuyên môn và vẫn phải sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật của các hãng tư vấn luật trong và ngoài nước. Cùng “cảnh ngộ” trên, đại diện Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cho hay, mặc dù có sự nỗ lực trong việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ theo quy định của Nghị định 122 về công tác pháp chế, nhưng chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Tổng Công ty khi giao dịch với các đối tác trong nước và nước ngoài thì bộ phận pháp chế chưa thực hiện được. Để có thể tham gia đàm phán, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Tổng công ty và các đơn vị trong quá trình giao dịch ký kết hợp đồng kinh doanh cần có cán bộ thông thạo ngoại ngữ, ngoài kiến thức về luật cần có kiến thức chuyên ngành và đặc biệt hiểu biết pháp luật quốc tế.

 

Rắc rối từ những quy định "tùy nghi"

 

Tại Điều10 Nghị định số 122/ NĐ – CP quy định “căn cứ nhu cầu về công tác pháp chế… thành lập tổ chức pháp chế phù hợp, bố trí cán bộ pháp chế hoặc thuê cố vấn pháp lý”. Đây là quy định có tính chất không bắt buộc. Quy định  này dẫn đến sự tùy tiện của doanh nghiệp đối với tổ chức pháp chế. Nơi thành lập, nơi thì không; nơi có thì được bố trí vào với phòng ban khác; nơi không tổ chức cơ cấu này thì công tác pháp chế được giao cho một cán bộ kiêm nhiệm… Cuối cùng là vai trò, vị trí cũng như sự đóng góp của công tác pháp chế nói chung và đội ngũ làm công tác pháp chế nói riêng chưa có được một ví trí xứng đáng với tính chất công việc của họ. Chẳng hạn tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, tổ pháp chế là một bộ phận thuộc Văn phòng Tổng công ty với 54 cán bộ trong đó có 9 cán bộ chuyên trách, 45 cán bộ kiêm nhiệm…

 

Có lẽ nguyên nhân sâu xa nhất của vấn đề này là nhận thức, nhận thức pháp lý của các cấp, ngành, lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước về vấn đề pháp chế chưa thực sự thấu đáo. Ở góc độ nào đó, còn chưa coi trọng ví trí của cán bộ pháp lý trong doanh nghiệp. Thiết nghĩ, bên cạnh việc sửa đổi những quy định  tại Nghị định số 122 về công tác pháp chế chính theo hướng tạo điều kiện ổn định về tổ chức và hoạt động của bộ phận này thì cần phải quán triệt đến các cấp, ngành, doanh nghiệp Nhà nước về vai trò của pháp chế. Đồng thời, Bộ Tư pháp cần đề xuất các giải pháp với Chính phủ để xây dựng mô hình tổ chức pháp chế doanh nghiệp linh hoạt và hiệu quả hơn; tạo điều kiện thu hút các cán bộ pháp lý có chuyên môn, trình độ làm việc lâu dài cho doanh nghiệp trong môi trường hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ngoài ra, cần tiếp tục mở các khoa đào tạo hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm trong công tác pháp chế doanh nghiệp; đặc biệt khi có các dự thảo luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp.

 

Xây dựng tổ chức, đội ngũ pháp chế mạnh cho doanh nghiệp là một yêu cấu bức thiết trong cơ chế thị trường,  hợp tác kinh tế khu vực và quốc tế. Điều này vừa góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, vừa  bảo đảm pháp chế và đưa pháp luật vào thực thi trong cuộc sống.

 

 

 

Theo Báo điện tử Đại biểu nhân dân

Tệp đính kèm