Phổ biến, giáo dục pháp luật là công tác thường xuyên, quan trọng được triển khai trong ngành giáo dục từ những năm 80 của thế kỷ XX.
Những năm gần đây, thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ ngày 9.12.2003 của Ban Bí thư TƯ Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ nhân dân; Bộ GD - ĐT đã triển khai có kết quả nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trước hết, công tác chỉ đạo trong toàn ngành đã trở thành nề nếp. Từ năm 2004 đến nay, Bộ GD - ĐT đã ban hành và phối hợp ban hành 18 văn bản chỉ đạo trực tiếp về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Năm 2009, Bộ GD - ĐT đã chủ trì soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20.11.2009 Phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường. Hằng năm, Bộ đã ban hành kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để chỉ đạo trong toàn ngành. Các kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật theo chuyên đề như kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Giáo dục, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… cũng được xây dựng, ban hành ngay sau khi các luật này được QH thông qua. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD - ĐT và các địa phương, các sở giáo dục và đào tạo, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đã ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm và chuyên đề hoặc lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật vào các kế hoạch công tác chung để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại đơn vị.
Tổ chức đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được kiện toàn. Bộ GD và ĐT đã thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ từ năm 2005 gồm 18 thành viên do một Thứ trưởng làm Chủ tịch. Các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với chức năng tham mưu, phối hợp các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong đơn vị. Một số thiết chế khác bước đầu hình thành và hoạt động có hiệu quả như Văn phòng tư vấn pháp luật, Chi hội Luật gia, các câu lạc bộ pháp luật, câu lạc bộ phòng chống tội phạm v.v…
Hệ thống cán bộ pháp chế ngành giáo dục từ Bộ đến các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng đã được xây dựng theo quy định tại Nghị định số 122/2004/NĐ-CP của Chính phủ để thực hiện tốt chức năng tham mưu, tổ chức công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại đơn vị. Đội ngũ giáo viên pháp luật, giáo dục công dân được chú ý bổ sung. Hàng năm, Bộ đều tổ chức tập huấn cho giáo viên giảng dạy pháp luật ở Trung cấp chuyên nghiệp, cán bộ pháp chế và báo cáo viên pháp luật của các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học. Năm học 2006 - 2007, đã tổ chức bồi dưỡng cho toàn bộ giáo viên môn giáo dục công dân các trường THPT trong toàn quốc dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới.
Nội dung tuyên truyền, phổ biến được lựa chọn phù hợp đối tượng. Đối với cán bộ, công chức, người lao động nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung vào ba nhóm vấn đề chính. Thứ nhất là các quy định về cán bộ, công chức, viên chức; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị; khiếu nại, tố cáo; thi đua, khen thưởng... Thứ hai, các quy định pháp luật mới liên quan như Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai, Bộ Luật tố tụng Dân sự... Thứ 3, Luật Giáo dục, các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục và các văn bản liên quan trực tiếp đến công tác chuyên môn như các chương trình giáo dục mới, cuộc vận động “hai không”, các quy định về đạo đức nhà giáo, về dạy thêm, học thêm, về kiểm định chất lượng nhà trường…
Đối với học sinh, sinh viên, nội dung pháp luật được thực hiện qua chương trình môn học Đạo đức ở tiểu học, môn học Giáo dục công dân ở THCS và THPT, môn học Pháp luật ở trung cấp chuyên nghiệp, môn học Pháp luật đại cương ở đại học, cao đẳng không chuyên luật. Bên cạnh đó, các nội dung pháp luật liên quan còn được tích hợp ở một số môn học khác như các môn tự nhiên, xã hội, lịch sử, địa lý, ngữ văn, giáo dục quốc phòng, an ninh ở phổ thông, các môn luật chuyên ngành ở giáo dục trung cấp chuyên nghiệp và giáo dục đại học. Các nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến học sinh, sinh viên như quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, pháp luật dân sự, pháp luật hình sự, pháp luật về giao thông, pháp luật về phòng chống ma túy, pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội, pháp luật về bảo vệ môi trường, các quy chế đào tạo, rèn luyện... còn được tuyên truyền, phổ biến thường xuyên bằng nhiều hình thức ngoại khóa phong phú khác.
Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai đồng bộ. Bộ GD - ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT trong đó Chương trình môn học Giáo dục công dân được xây dựng có tính liên thông từ lớp 1 đến lớp 12. Nội dung pháp luật trong chương trình được xây dựng theo hướng đồng tâm phát triển phù hợp với lứa tuổi của học sinh. Một số quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môt trường bắt đầu được đưa vào chương trình giáo dục mầm non.
Đối với các trường đại học, cao đẳng hiện nay, Bộ đã ban hành 19 chương trình khung giáo dục đại học có học phần Pháp luật đại cương hoặc các học phần liên quan đến pháp luật. Gần 50% số trường đại học đã đưa môn pháp luật đại cương vào chương trình chính khoá của các ngành đào tạo. Đối với trung cấp chuyên nghiệp môn học Pháp luật được đưa vào giảng dạy chính thức ở tất cả các chương trình từ năm học 1997 - 1998 với thời gian 35 tiết. Năm 2008, Bộ đã ban hành chương trình Pháp luật mới đối với trình độ trung cấp chuyên nghiệp và tổ chức biên soạn, xuất bản giáo trình thống nhất trong toàn quốc.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngoại khóa được triển khai với nhiều hình thức phong phú như phổ biến, giáo dục pháp luật qua các hội nghị tập huấn, giới thiệu văn bản pháp luật mới; phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc biên soạn, phát hành các loại tài liệu; tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, Bộ cùng với các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục trong ngành đã triển khai nhiều hình thức phong phú như: lồng ghép, tích hợp trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; các tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên đầu năm, đầu khoá học; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các câu lạc bộ, chào cờ đầu tuần, ký cam kết... Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật được Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội sinh viên, các cơ sở giáo dục tổ chức thường xuyên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường vẫn còn không ít những khó khăn, vướng mắc. Khó khăn đầu tiên bắt nguồn từ nhận thức về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, việc dạy và học pháp luật nói riêng của một số cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên chưa đúng mức. Có nơi còn coi là môn phụ nên chưa đầu tư nhân lực, tài lực, thời gian thỏa đáng cho công tác này. Chương trình giảng dạy pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng không chuyên luật chưa thống nhất. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật còn dàn trải, nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thực hành, chưa hấp dẫn. Sách giáo khoa, giáo trình chưa cập nhật và chưa phù hợp với các vùng miền khác nhau. Trang thiết bị, tài liệu, phương tiện phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn thiếu nhiều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Việc tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật ngoại khóa còn nhiều khó khăn, chưa thường xuyên, chưa có tính hệ thống, hình thức còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn, chất lượng và hiệu quả còn thấp. Đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy môn Pháp luật, Giáo dục công dân còn thiếu nhiều. Tình trạng dạy không đúng chuyên môn ở THCS, TCCN còn khá phổ biến. Ngân sách dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hết sức khó khăn. Nhiều sở, trường chưa bố trí kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật thành khoản riêng để chủ động tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Cùng với đó, ý thức pháp luật của học sinh, sinh viên tuy có được nâng lên song còn không ít bất cập. Hiện tượng vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm pháp luật về giáo dục trong người học vẫn xảy ra trong đó có cả những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng như cướp của, giết người, hiếp dâm… Hiểu biết pháp luật của học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khi ra trường còn rất hạn chế.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới, ngành giáo dục đang tiến hành triển khai Đề án nâng cao chất lượng công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật trong nhà trường trong đó tập trung vào 5 nhiệm vụ. Một là, tổ chức việc giảng dạy các kiến thức pháp luật phù hợp ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình, sách giáo khoa giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân. Hai là, thường xuyên triển khai việc phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đội ngũ nhà giáo, công chức, người lao động trong ngành. Ba là, bổ sung đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy môn pháp luật và môn giáo dục công dân, cán bộ phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và báo cáo viên pháp luật ngành giáo dục. Bốn là, chuẩn hóa, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các hình thức giáo dục ngoại khóa, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Năm là, bổ sung, hoàn thiện các tài liệu, thiết bị phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường.
Theo Báo điện tử ĐBND