Cập nhật: 20/01/2011 16:21:56 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lợi dụng dịp giáp Tết Nguyên đán, khi nhu cầu mua bán diễn ra tấp nập, cùng với hàng lậu, hàng giả, là tiền giả đã được đưa vào Việt Nam qua các cửa khẩu, vùng biên giới. Trước những mánh khóe và thủ đoạn hết sức tinh vi của các đối tượng, việc phát hiện bắt giữ không phải là đơn giản khi lực lượng chức năng quá mỏng.

 

Thủ đoạn tinh vi

 

Ngày 19-1-2011, Ban quản lý chợ Hà Tĩnh đã gửi toàn bộ hồ sơ cùng số tiền giả lên cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh. Trước đó, Ban quản lý chợ Hà Tĩnh đã bắt quả tang Phan Thị Mai (33 tuổi, trú tại xã Phú Phong, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đang lưu hành 11,5 triệu đồng tiền polymer giả trong chợ. Số lượng tiền giả bị phát hiện bao gồm 56 tờ mệnh giá 200.000 đồng, 3 tờ 100.000 đồng. Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Ban quản lý chợ Hà Tĩnh, lợi dụng dịp cuối năm việc mua bán diễn ra tấp nập nên một số đối tượng đến chợ để thực hiện hành vi mua bán bằng tiền giả.

 

Ngoài tình trạng tiền giả bị phát hiện tại Hà Tình, thì tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn trong thời gian gần đây, tình trạng mua bán, vận chuyển tiền giả cũng diễn ra khá phức tạp với nhiều chiêu thức hoạt động tinh vi khiến việc phát hiện, bắt giữ gặp nhiều khó khăn. Điển hình, chiều ngày 14-12-2010, bà Nguyễn Bình Phương (44 tuổi) là giáo viên trường THCS Hòa Cư, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) được một người lạ mặt thuê mang 5 triệu đồng tiền Việt Nam giả từ Trung Quốc về thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, với giá 500 ngàn đồng. Tuy nhiên, khi đi tới đường mòn 386 (Cốc Nam, Tân Mỹ, Văn Lãng) thì bà Phương bị bộ đội Biên phòng Tân Thanh phát hiện, bắt giữ. Cũng tại Lạng Sơn, trước đó, ngày 21-4, Trạm M16, đồn Biên phòng 59 - Tân Thanh (Lạng Sơn) đã bắt quả tang Nguyễn Thị Thục (SN 1959), trú tại số 72, tổ 12, cụm 3, phường Mỹ Độ, TP Bắc Giang (Bắc Giang) đang vận chuyển 40,4 triệu đồng (loại mệnh giá 100.000 đồng/tờ) tiền Việt Nam từ Trung Quốc về Việt Nam theo lối đường mòn Gốc Nhãn. Tuy nhiên những vụ được cơ quan chức năng bắt giữ và phát hiện mới chỉ là “muối bỏ biển”.

Vẫn phòng là chủ yếu

Trước vấn nạn trên, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến cáo: Hiện nay, đã xuất hiện tiền giả mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng, thậm chí cả 500.000 đồng. Khi đến giao dịch, ngân hàng phát hiện ra tiền của khách là giả sẽ tịch thu. Người dân nên cẩn thận đề phòng nhận phải tiền giả. Còn theo ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Ban quản lý chợ Hà Tĩnh, trước tình trạng xuất hiện tiền giả ở chợ vào dịp cuối năm, Ban quản lý chợ đã khuyến cáo các tiểu thương, người dân phải thận trọng và kiểm tra tiền trong quá trình mua bán.

 

Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra các biện pháp để giúp người tiêu dùng phân biệt giữa tiền giả và tiền thật. Theo đó, Ở các tờ bạc thật, khi soi trước nguồn sáng, sẽ thấy một sợi dây bảo hiểm chạy dọc tờ bạc có các dòng chữ: “NHNNVN*100.000” lặp đi lặp lại và đảo chiều. Tại cửa sổ nhỏ (góc trên bên trái) của tiền thật, có hình hoa cúc cách điệu, nhìn thấy khi soi trước nguồn sáng đỏ như đèn dầu, nến, bóng đèn trong. Tờ bạc giả không có các chi tiết này. Vuốt nhẹ lên bề mặt tờ tiền giả, sẽ không cảm nhận được các chi tiết in lõm hay in dập nổi như ở tiền thật.

 

Ở tiền thật, do được in bằng công nghệ in đặc biệt, nên bề mặt tiền có độ dày. Khi dùng tay vuốt, bề mặt tờ tiền không trơn mà có độ sần đều. Còn tiền giả, độ sần được tạo ra từ việc chọc lỗ nên khi vuốt, vết sần khác thường, thưa và không đều nhau. Tuy nhiên, nếu kiểm tra bằng tay mà không tinh ý sẽ không cảm nhận được đặc điểm khác biệt trên.

 

Đối với tiền polymer loại mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng, 20.000 đồng và 10.000 đồng, cầm tờ bạc chao nghiêng, nếu là tiền thật sẽ hiện lên các chi tiết in màu vàng thể hiện mệnh giá tờ bạc đó (còn gọi là chi tiết bảo an); ở tiền giả không có chi tiết này. Đối với tiền loại mệnh giá 100.000 đồng, cần lưu ý kiểm tra chi tiết in hình hoa văn ở góc trên phải mặt trước của tờ bạc. Khi chao nghiêng tờ bạc, chi tiết này sẽ đổi từ màu vàng sang màu xanh. Ở tiền giả, chi tiết in này không đổi màu.

 

“Kiểm tra các cửa sổ trong suốt: Ở cửa sổ lớn có cụm số dập nổi tinh xảo. Ở cửa sổ nhỏ có yếu tố hình ẩn. Khi đưa cửa sổ tới gần sát mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ tới nguồn sáng đỏ sẽ thấy hình ẩn xung quanh nguồn sáng. Ở tiền giả không có yếu tố hình ẩn này. Ngoài ra, ở tiền thật: Mảng chữ siêu nhỏ “NHNNVN” hoặc số mệnh giá lặp đi lặp lại nhìn thấy dưới kính lúp. Cụm số mệnh giá, số seri  khi soi dưới đèn cực tím sẽ phát quang. Ở tiền giả không có dòng chữ siêu nhỏ, không có mực không màu phát quang hoặc phát quang yếu”.

 

 

Theo Báo điện tử Đại ĐK

Tệp đính kèm