Cập nhật: 02/03/2011 22:53:37 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Chánh thanh tra(CTT) Bộ Khoa học và công nghệ Trần Minh Dũng, năm 2010, 63 Sở Khoa học và Công nghệ trên toàn quốc đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 10 nghìn đối tượng với các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước. Qua thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.270 đối tượng, trong đó phạt tiền 761 đối tượng với số tiền gần 5 tỷ đồng, tịch thu và tiêu hủy nhiều tang vật vi phạm hành chính khác...

PV: Thưa Ông, Ông có thể cho biết những kết quả đạt được trong hoạt động Thanh tra toàn diện trong năm vừa qua?

 

CTT Trần Minh Dũng: Thanh tra các Sở Khoa học và Công nghệ trong cả nước đã triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành với các nội dung như việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực đo lường, chất lượng và sở hữu công nghiệp; việc thực hiện pháp luật trong hoạt động khoa học và công nghệ; việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt nhân... Các Sở đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 10.137 đối tượng tăng 36% so với cùng kỳ năm 2009 với các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước như đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá (6.729 đối tượng); đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hoá và sở hữu công nghiệp (1.606 đối tượng); sở hữu công nghiệp (68 đối tượng); tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ (13 đối tượng); thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (110 đối tượng); an toàn bức xạ và hạt nhân (1.577 đối tượng); thanh tra hành chính (34 đối tượng).

 

PV: Vậy các Sở đã triển khai hoạt động thanh tra cụ thể ra sao, thưa Ông?

 

CTT Trần Minh Dũng: Trong thời gian qua, tình hình vi phạm về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa và sở hữu công nghiệp vẫn còn có những diễn biến phức tạp. Tuy những vi phạm hành chính về đo lường như về định lượng, thể tích… đã có chiều hướng giảm dần, song, những vi phạm về chất lượng, ghi nhãn, mã số mã vạch, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm, hàng hoá đóng gói sẵn đã và đang xảy ra, do vậy, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước để kịp thời xử lý vi phạm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Chính vì vậy, công tác thanh tra trong lĩnh vực đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa và sở hữu công nghiệp vẫn tiếp tục được các Sở Khoa học và Công nghệ tập trung tiến hành. Bên cạnh đó, công tác thanh tra thực hiện pháp luật trong hoạt động khoa học và công nghệ đã được nhiều Sở chú trọng triển khai. Hiện số đề tài, nhiệm vụ được thanh tra, kiểm tra là 110; số tổ chức khoa học và công nghệ được thanh tra là 13 tổ chức. Hầu hết các cuộc thanh tra đã đánh giá tình hình thực hiện đề tài, dự án và chỉ ra những thiếu sót, tồn tại của một số đề tài, dự án như triển khai còn chậm, quy mô không bảo đảm, chất lượng nghiên cứu chưa cao. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi 151.395.000 đồng cho ngân sách.

 

Về cơ bản, công tác thanh tra chuyên đề an toàn bức xạ hạt nhân năm 2010 đã đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người và môi trường nên vẫn cần được quan tâm và thanh tra, kiểm tra thường xuyên với tổng số đối tượng được thanh tra về an toàn bức xạ hạt nhân trên toàn quốc là 1.577, trong đó có 1.370 đối tượng sử dụng thiết bị X-quang trong chẩn đoán, khám chữa bệnh (chiếm 86,8%), 207 đối tượng được thanh tra sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trong sản xuất kinh doanh, nghiên cứu, đào tạo (chiếm 13,2%). Qua thanh tra đã xử phạt tiền đối với 195 đối tượng vi phạm hành chính với tổng số tiền là 1.249.500.000 đồng.

 

PV: Đó là những kết quả đã đạt, nhưng còn những mặt hạn chế Ông nhìn nhận thế nào?

 

CTT Trần Minh Dũng: Năm 2010, tuy hoạt động thanh tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã được triển khai mạnh mẽ nhưng do mục tiêu lợi nhuận, ý thức chấp hành pháp luật còn kém và chế tài xử lý còn chưa đủ sức răn đe nên tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn có những diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này và kết hợp chắt chẽ với công tác tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp để thiết thực nâng cao hiệu quả xử lý của thanh tra.

 

Hiện một số hành vi xâm phạm về sở hữu công nghiệp vẫn diễn ra và có tính chất phức tạp với thủ đoạn tinh vi hơn, đặc biệt, hoạt động thanh tra trong lĩnh vực này chủ yếu chỉ tiến hành khi có yêu cầu của chủ thể quyền, việc chủ động tiến hành thanh tra còn ít nên tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp vẫn cần được quan tâm trong thời gian tới.

 

PV: Bên cạnh công tác thanh tra thì công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được coi là rất quan trọng. Ông đánh giá thế nào về hoạt động của các Sở trong lĩnh vực này?

 

CTT Trần Minh Dũng: Năm 2010, công tác tiếp công dân tiếp tục được các Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện theo quy định, tuy nhiên số lượng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo không nhiều. Các Sở đã tiếp 35 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đề nghị và tiếp nhận 97 đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh. Số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở là 56 đơn, gồm 5 đơn khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính, 27 đơn tố cáo (17 đơn tố cáo về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; 3 đơn về đo lường, chất lượng hàng hoá; 2 đơn về an toàn bức xạ hạt nhân và 24 đơn đề nghị, kiến nghị. Qua giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, các Sở đã xử lý hành chính 6 đối tượng có hành vi vi phạm hành chính bằng nhiều hình thức như cảnh cáo, phạt tiền, tiêu hủy...

 

PV: Thưa Ông, với thực tế trên, mục tiêu của hoạt động thanh tra năm 2011 là gì?

 

CTT Trần Minh Dũng: Trên cơ sở kết quả công tác năm 2010, năm 2011 hoạt động thanh tra tiếp tục triển khai công tác thanh tra trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ nhằm bảo đảm việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, an toàn bức xạ hạt nhân, trong đó, Thanh tra Bộ dự kiến đề xuất với lãnh đạo Bộ thanh tra chuyên đề về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với nhóm sản phẩm hàng hoá điện, điện tử trong phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó là tăng cường thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thanh tra các đề tài, dự án đáp ứng yêu cầu quản lý và cần quan tâm thanh tra đối với hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ tại địa phương. Bên cạnh đó chú trọng công tác phối hợp, trao đổi nghiệp vụ và những vấn đề có liên quan giữa các Sở với các cơ quan có liên quan, giữa Thanh tra Sở với Thanh tra Bộ; phối hợp, thực hiện cung cấp tin tức cho website của Thanh tra Bộ; tăng cường hoạt động truyền thông, giáo dục để thiết thực nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra, phục vụ cho quản lý Nhà nước của ngành khoa học và công nghệ.

 

PV: Xin cám ơn Ông!

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

 

Tệp đính kèm