Cập nhật: 11/03/2011 15:24:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bất cứ mặt hàng nào, từ thông thường đến cao cấp, không phân biệt giá trị nhỏ hay lớn cũng có thể bị làm giả, làm nhái

Dạo qua các chợ đầu mối lớn về hàng hóa của TP HCM như Bến Thành (quận 1), An Đông (quận 5), Bình Tây (quận 6), người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận thấy  tất cả các mặt hàng từ quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm... được bày bán rất phong phú về mẫu mã và mang thương hiệu lớn của nước ngoài như Louis Vuiton, Cheviot, Nike,  Channel...

 

Thực chất đây chỉ là hàng giả, nhái nhãn hiệu nước ngoài. Giá bán các mặt hàng này chỉ bằng 20-30%  giá của hàng thật. Một số tiểu thương tại chợ An Đông cho biết, phần lớn hàng nhái các thương hiệu lớn từ nước ngoài đều do các cơ sở gia công tại TP HCM sản xuất hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, giá rẻ so với hàng thật nên các mặt hàng này được tiêu thụ mạnh.

 

Không chỉ có hàng giả nhãn hiệu nước ngoài, nhiều sản phẩm trong nước cũng bị làm giả, làm nhái đủ kiểu. Và giá bán chỉ bằng một nửa so với hàng chính hãng nên cũng được nhiều người tiêu dùng chọn mua. Phổ biến nhất là hàng may mặc thời trang, như các mẫu sơmi, áo thun, quần jean... của Công ty thời trang Việt Thy, May Việt Tiến Ninomax, FOCI....

 

“Chiến đấu” với hàng giả

 

Bà Đặng Quỳnh Đoan, Giám đốc Công ty TNHH Thời trang Việt Thy cho biết: Mỗi năm công ty phải bỏ ra hàng tỷ đồng để tổ chức các buổi hội thảo, quảng bá, tuyên truyền về sản phẩm nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm chính hiệu của mình. Tuy nhiên đến nay tình trạng làm giả, làm nhái các sản phẩm của công ty vẫn xảy ra và chưa được giải quyết triệt để.

 

Nhiều năm liền phải "chiến đấu" với hàng giả, hàng nhái, trên thị trường, ông Nguyễn Quốc Thúc, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn cho biết:  Hiện Công ty có 3 dòng sản phẩm chính thì đã có 2 dòng sản phẩm bị làm giả. Điều này đã gây thiệt hại rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kênh phân phối của doanh nghiệp. Người tiêu dùng khi mua và sử dụng phải những sản phẩm làm giả thương hiệu Giấy Sài Gòn mà không đủ tiêu chuẩn, chất lượng họ sẽ nghi ngờ và mất lòng tin vào sản phẩm của Công ty. Và nếu tình trạng này không được giải quyết triệt để, về lâu dài người tiêu dùng sẽ có tâm lý từ bỏ không dùng sản phẩm của Giấy Sài Gòn nói riêng và sản phẩm Hàng Việt nói chung.

 

Khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang phải chịu là hàng nhái, hàng giả bán tràn lan và không ngừng gia tăng. Nhiều doanh nghiệp đã phải lâm vào cảnh khốn đốn vì hàng sản xuất ra bị làm giả, làm nhái quá nhiều. Trong khi doanh nghiệp làm ăn chân chính phải chịu đủ mọi chi phí từ đầu tư sản xuất, xây dựng thương hiệu đến nộp thuế và đăng ký bảo hộ cho sản phẩm, thì những kẻ làm hàng giả, hàng nhái không phải chịu các khoảng chi phí ấy. Sản phẩm nhái nhãn hiệu được bán với giá rẻ nên tiêu thụ mạnh. Vì thế, nếu Nhà nước không có biện pháo mạnh thì vấn nạn này sẽ còn diễn biến phức tạp hơn trong tương lai.

 

Ông Nguyễn Lâm Viên, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng: Tình trạng làm hàng nhái, hàng giả tràn làn đang gây khốn đốn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu công cụ và pháp chế của Nhà nước chưa đủ mạnh và các cơ quan hữu quan chưa vào cuộc mạnh mẽ thì vấn nạn sẽ còn diễn biến phức tạp hơn nhiều trong tương lai.

 

Chi cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết: Năm 2010, cơ quan này đã phát hiện hơn 570 vụ sản xuất và mua bán hàng giả, hàng nhái. Như vậy mỗi tháng cơ quan chức năng phát hiện gần 50 vụ hàng nhái, hàng giả, trong số này đáng lo ngại nhất là các sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, thực phẩm, mỹ phẩm, sữa... Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng, nhà sản xuất bị thua lỗ mà ngay cả các nhà quản lý, cơ quan chức năng cũng đau đầu bởi hàng nhái, hàng giả ngày càng được sản xuất tinh vi rất khó phát hiện.

 

Mặc dù trong thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường TP HCM đã phối hợp với các đoàn thanh tra liên ngành tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát để hạn chế tình trạng hàng gian, hàng giả, song do địa bàn quá rộng mà lực lượng lại mỏng nên công tác này còn gặp nhiều khó khăn.

 

Bên cạnh đó nhiều mặt hàng được làm nhái hết sức tinh vi mà đôi khi ngay cả cơ quan chức năng cũng khó nhận diện được đâu là thật, đâu là giả. Ngay trong quá trình kiểm tra, phát hiện nghi ngờ là hàng giả, do chưa có cơ sở dữ liệu để có thể cung cấp các thông tin cấp thiết nên các cơ quan thực thi thường gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm chủ sở hữu trí tuệ để liên hệ việc giám định hàng hóa. Đối với nhiều mặt hàng ngoại nhập, đã xác định là giả về nhãn hiệu hàng hóa, nhưng nhãn hiệu đó chưa được đăng ký tại Việt Nam nên cũng khó xử lý.

 

Ông Lê Văn Liêu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết: Lực lượng quản lý thị trường gặp rất nhiều khó khăn bởi các đối tượng thường lợi dụng những sơ hở của pháp luật để trốn thuế, buôn hàng lậu, bán hàng không hóa đơn, chứng từ, mua hàng trôi nổi...

 

Làm sao để triệt tiêu?

 

Hàng giả, hàng lậu ở TP HCM vẫn có chiều hướng gia tăng và mức độ ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng vi phạm cũng ngày càng trắng trợn và liều lĩnh hơn. Vì vậy ngoài việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và có chế tài mạnh thì công tác thông tin tuyên truyền cho người tiêu dùng hiểu và tích cực ủng hộ Hàng Việt Nam cũng như tích cực chống hàng giả là cách làm hữu hiệu hiện nay. Vì hơn ai hết chính người tiêu dùng phải bảo về quyền lợi của mình bằng việc tẩy chay hàng giả, hàng nhái hoặc thông báo cho cơ quan chức năng biết những cơ sở sản xuất, tiêu thụ hàng giả để đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật nhằm răn đe những kẻ làm hàng giả, hàng nhái.

 

Tiến sỹ Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM nói: “Người tiêu dùng cần xây dựng cho mình lòng yêu nước để lựa chọn hàng Việt Nam. Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng cường sự quảng bá thương hiệu nhãn hiệu của mình. Đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành hữu quan trong việc kiểm tra thị trường”.

 

Để công cuộc chống hàng gian, hàng giả mang lại hiệu quả thiết thực cần có sự kết nối ba lực lượng gồm: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt với các doanh nghiệp cần phải đầu tư nghiên cứu và đưa ra các giải pháp phòng chống hàng giả để bảo vệ thương hiệu, đồng thời góp phần ngăn chặn nạn sản xuất và tiêu thụ hàng giả trên thị trường. Triệt tiêu được hàng lậu, hàng giả, hàng nhái thì mới mong bảo vệ được quyền lợi cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính, qua đó xây dựng được môi trường kinh doanh trong sạch và góp phần trong việc ổn định trật tự xã hội./. 

Năm 2010: Xử lý gần 185.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại

 

Theo vovnews.vn

Tệp đính kèm