Tình trạng sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ATM giả để kiếm lời bất chính đang có chiều hướng gia tăng ở khu vực Đông Nam Á. Tình trạng sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ATM giả để kiếm lời bất chính đang có chiều hướng gia tăng ở khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả ở Việt Nam, hãng tin BBC dẫn lời các chuyên gia an ninh khu vực cho hay.
"Các đường dây gian lận hiện đã dời sang Đông Nam Á", BBC dẫn lời Tsai Tyan-muh, một chuyên gia nghiên cứu tội phạm thuộc trường Đại học Cảnh sát Đài Loan nói với hãng tin AFP.
Các băng đảng tội phạm ở Đài Loan đã chuyển địa bàn hoạt động của chúng sang khu vực Đông Nam Á, do việc làm ăn tại Trung Quốc gặp trở ngại, sau khi hai bờ eo biển Đài Loan ký thỏa thuận hợp tác chống tội phạm.
Theo nguồn tin cảnh sát Đài Loan, chỉ trong vòng một năm sau thỏa thuận trên, hai bờ đã bắt được hơn 1.600 kẻ tình nghi gian lận thẻ ngân hàng.
BBC cho hay, các vụ bắt giữ liên quan tới hình thức phạm tội này cũng đã được thực hiện ở các nước Philippines, Thái Lan và cả Việt Nam. Chẳng hạn, năm ngoái, Tòa án Nhân dân Tp.HCM đã tuyên phạt Tan Shurendar, quốc tịch Malaysia, 4 năm tù về tội dùng thẻ tín dụng giả.
Theo hồ sơ, tối 13/10/2009, Tan đến một cửa hàng vàng mua một sợi dây chuyền vàng giá hơn 1.300 USD, thanh toán bằng thẻ tín dụng của ngân hàng HSBC, với tên chủ thẻ là một người mang quốc tịch Singapore.
Sau khi mang dây chuyền ra cho một người bạn đứng đợi ở ngoài, Tan tiếp tục quay vào cửa hàng mua thêm sợi lắc trị giá 1.100 USD. Nghi thẻ giả, nhân viên bán hàng đã báo bảo vệ phối hợp bắt giữ Tan giao công an xử lý.
Tại cơ quan điều tra, Tan khai quen một người Trung Quốc bên Malaysia. Người này nói giúp đỡ đưa Tan sang Việt Nam làm việc. Đến Việt Nam, Tan gặp hai người cũng không rõ lai lịch đưa cho các thẻ tín dụng giả để đi mua nữ trang vàng cho họ.
Gần đây nhất, hôm 8/5, công an phường Láng Hạ, quận Đống Đa (Hà Nội) đã bắt giữ đối tượng Koay Keng Chen (22 tuổi, quốc tịch Malaysia) để điều tra hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Khoảng 11h15 ngày 7/5, Koay Keng Chen cùng một người khác đến một cửa hàng điện thoại trên địa bàn phường Láng Hạ hỏi mua 5 điện thoại iPhone 4 trị giá hơn 85 triệu đồng. Đối tượng đưa thẻ ATM của một ngân hàng Malaysia để thanh toán.
Bị chủ cửa hàng phát hiện thẻ ATM là giả, hai đối tượng bỏ chạy, Keng Chen bị công an bắt giữ cùng 2 hộ chiếu và 14 thẻ ngân hàng giả khác trong người. Keng Chen khai, trước đó, ngày 6/5 đã mua 2 chiếc iPhone trị giá 35 triệu đồng, đem bán với giá 700 USD qua hình thức thanh toán thẻ ngân hàng rởm.
"Các đường dây gian lận hoạt động trên khắp thế giới. Công nghệ tiên tiến ngày nay đã tạo điều kiện cho các đường dây hoạt động xuyên biên giới, nên rất khó truy ra các thủ phạm chính", Liang Chuang-ting, chuyên gia của cơ quan điều tra CIB Đài Loan cho hay.
Theo Kitti Sapaothong, Phó chỉ huy lực lượng cảnh sát kinh tế của Thái Lan, các băng đảng thường nhắm vào những đối tượng là người trẻ tuổi, nhà nghèo, chưa từng ra nước ngoài, để dụ dỗ đưa vào đường dây phạm tội.
Tháng 2 năm nay, các nhà chức trách Philippines đã trục xuất 24 nghi phạm, trong đó có 14 người Đài Loan. Hơn 100 nghi phạm bị giữ ở Thái Lan trong năm 2010. Theo lời các chuyên gia, một khi đã cắm rễ được tại một nơi nào đó, các đường dây gian lận có thể cấu kết với tội phạm địa phương.
Khách du lịch trao đổi tên các diễn đàn uy tín như TripAdvisor, từng chia sẻ kinh nghiệm sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ATM ở nước ngoài. Theo lời khuyên của nhiều thành viên, thường cách nhanh nhất để làm thẻ ngân hàng giả là sao chép thẻ thật, vì thế bạn "đừng bao giờ rời xa thẻ của bạn".
Theo Báo điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam