Cập nhật: 01/06/2011 16:12:51 Article Rating
Xem cỡ chữ

Pháp luật tố tụng hình sự, dân sự và hành chính đều không quy định về việc xét xử lưu động. Tuy nhiên để góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, trong những năm qua ngành Tòa án đã tăng cường đưa các vụ án (chủ yếu là án hình sự) đi xét xử lưu động. Với cách tiếp cận và nhìn nhận ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng không nên tăng cường xét xử lưu động.

Thực tế cho thấy, phần lớn các phiên tòa xử tại trụ sở Tòa án thường vắng người, ngoài những người tham gia tố tụng được Tòa án triệu tập chỉ có thêm một vài người nhà bị cáo, thậm chỉ có những phiên tòa chỉ có một mình bị cáo. Trái lại, hầu hết những phiên tòa xử lưu động thì nhiều người không thể chen nổi vào hội trường xét xử, nhiều nơi phải xử ở ngoài trời để mọi người đều được theo dõi phiên tòa. Do đó, không ai có thể phủ nhận tính hiệu quả của hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử lưu động. Tuy nhiên, có nên tăng cường xét xử lưu động hay không là vấn đề cần được nghiên cứu, nhìn nhận một cách thấu đáo giữa cái lợi và cái hại, giữa lợi ích chung với tính nhân văn và nhân đạo trong việc thực thi pháp luật.

 

Nhìn từ góc độ lợi ích chung thì phiên tòa lưu động là cơ hội để trực tiếp chuyển tải các quy định của pháp luật đến với người dân; ngoài tác dụng phổ biến pháp luật còn có tác dụng cảnh báo, răn đe giáo dục chung đối với mọi người. Tuy nhiên, đối với bị cáo thì hầu như không ai mong muốn bị đưa đi xét xử tại nơi cư trú, nơi làm việc. Cuộc sống của người dân có tính cộng đồng rất cao (nhất là ở nông thôn), ai bị mọi người xa lánh, tẩy chay cũng là phải chịu một hình phạt rất nặng nề. Vì vậy, việc bị cáo bị đưa đi xét xử lưu động, ngoài phải chịu hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự thì họ còn phải chịu một sức ép nặng nề trước bà con họ hàng, bạn bè lối xóm và chịu thêm một hình phạt từ phía cộng đồng xã hội - đó là sự lên án, xa lánh. Không chỉ một mình bị cáo mà ngay cả cha mẹ, vợ con, anh em của họ cũng bị vạ lây bởi hình phạt từ phía cộng đồng dân cư.

 

Mục đích của hình phạt bao gồm hai thuộc tính, đó là trừng trị và cải tạo, giáo dục người phạm tội. Mức độ trừng trị được thể hiện ở loại và mức hình phạt được áp dụng. Hai yếu tố đó luôn có quan hệ: trừng trị để giáo dục và giáo dục thông qua việc trừng trị. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp hình phạt cao, sự lên án gay gắt thì tác dụng cải tạo, giáo dục cao, mà hình phạt phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, có sự thông cảm, tha thứ từ cộng đồng mới phát huy được tác dụng giáo dục. Tùy thuộc vào từng giai đoạn lịch sử mà yếu tố trừng trị hay giáo dục được coi trọng, phát huy ở mức độ khác nhau. Trong xã hội tiến bộ ngày nay, việc xử lý hình sự, áp dụng hình phạt chủ yếu nhằm mục đích cải tạo, giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội và tạo điều kiện để họ tái hòa nhập cộng đồng. 

 

Thực tế, việc bị cáo phạm tội xảy ra ở một trong hai trường hợp: phạm tội do bồng bột, nóng nảy, thiếu thận trọng (là một sự lầm lỡ) hoặc phạm tội có tính toán, phạm tội nhiều lần, có tính chuyên nghiệp, tái phạm (người phạm tội có ý thức và bản tính coi thường pháp luật). Đối với những trường hợp phạm tội do lầm lỡ mà bị xét xử lưu động sẽ gây thêm sự ác cảm từ cộng đồng và sự mặc cảm từ bản thân bị cáo, đó là rào cản trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Ngược lại, đối với những trường hợp phạm tội do bản tính côn đồ, coi thường pháp luật thì việc xét xử lưu động sẽ làm tăng thêm tính lỳ lợm, ngông cuồng, với tâm lý không còn gì để mất người phạm tội rất có thể sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn. Thực tế cũng đã có không ít trường hợp nảy sinh tác động ngược chiều, tiêu cực khi xét xử lưu động. Cách đây vài năm, TAND tỉnh Q mở phiên tòa lưu động xét xử bị cáo Nguyễn Văn Ch. về tội giết người. Từ sáng sớm gia đình người bị hại đã huy động anh em, họ hàng, người cờ, người kèn, trống để đón Hội đồng xét xử và bị cáo. Khi Kiểm sát viên luận tội đề nghị áp dụng hình phạt tử hình đối với bị cáo, phía gia đình người bị hại đã đồng loạt vỗ tay hưởng ứng, trái lại là tiếng khóc thảm thiết của gia đình bị cáo. Khi luật sư trình bày lời bào chữa đề nghị áp dụng hình phạt tù thì gia đình bị hại kịch liệt phản đối và đe dọa vị luật sư. Thấy vậy, luật sư nhanh chóng kết thúc bào chữa và không tranh luận gì thêm trong khi hồ sơ vụ án có nhiều mâu thuẫn trong việc xác định độ tuổi của bị cáo (bị cáo chưa thành niên không bị áp dụng hình phạt tử hình). Hay như vụ án hủy hoại tài sản do TAND huyện Q.T. xét xử lưu động tại xã Q.K. Trước bà con lối xóm hai anh em bị cáo không những không hối cải mà còn ngang nhiên đe dọa sẽ trả thù gia đình bị hại. Ở hai vụ án này chính việc xét xử lưu động đã làm khuấy thêm nỗi đau, làm tăng thêm mâu thuẫn giữa gia đình, họ hàng bị cáo và người bị hại; làm mất niềm tin của người dân về tính tôn nghiêm của công đường, hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật không được phát huy.

 

Ngoài những biểu hiện nêu trên, việc xét xử lưu động đôi khi còn tạo ra sự thiếu công bằng, khách quan trong việc áp dụng pháp luật. Cụ thể, do quá thiên về mục đích răn đe, giáo dục nên thông thường khi xét xử lưu động bị cáo thường phải chịu hình phạt nặng hơn so với xử ở trụ sở Tòa án. Mặt khác, việc xử lưu động thường tốn kém và muốn thể hiện sự thành công của phiên tòa trước dân chúng nên tâm lý của các thẩm phán luôn mong muốn xét xử “xuôi chèo mát mái”, phải đi đến việc tuyên án, nên đôi khi đã cố tình bỏ qua các tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa mà lẽ ra phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

 

Hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng phát triển mạnh nên cần hướng đến việc khai thác lợi thế của các phương tiện này để phổ biến, giáo dục pháp luật, chỉ xét xử lưu động trong những trường hợp thực sự thấy cần thiết. Thực tế, chương trình Tòa tuyên án phát trên kênh VTV3 rất có tác dụng, hơn ngành Tòa án xử lưu động. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền nên nhìn nhận thấu đáo về vấn đề này.

 

 

Theo TTXVN

Tệp đính kèm