Cập nhật: 08/06/2011 16:46:12 Article Rating
Xem cỡ chữ

Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là đối với lứa tuổi vị thành niên ở Phú Thọ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song tình trạng trẻ vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Để ngăn ngừa trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, cần sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường và xã hội.

Những năm gần đây, tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, trở thành mối lo của xã hội. Năm 2010, số vụ phạm pháp hình sự do người chưa thành niên gây ra tuy giảm so với năm 2009, nhưng mức độ phạm tội nghiêm trọng hơn. Các vụ án do đối tượng vị thành niên gây ra không chỉ xuất hiện ở thành phố, thị xã mà còn ở cả các xã, bản làng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hầu hết đối tượng vi phạm pháp luật ở lứa tuổi 16 - 18, hình thức phạm tội thường là: cướp của, cưỡng đoạt tài sản, hiếp dâm, giết người, sử dụng và mua bán trái phép chất ma túy...

 

Năm 2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án giết người - cướp tài sản đối với Bùi Mạnh Hà cùng đồng bọn. Tháng 12.2009, Lê Mạnh Quý, sinh năm 1992, trú xã Thụy Vân, TP Việt Trì rủ Bùi Mạnh Hà, sinh năm 1989 ở xã Phượng Lâu, TP Việt Trì đi chơi internet ở khu 3, xã Vân Phú, TP Việt Trì. Tại đây, Quý gặp một số người, trong đó có Tạ Hoàng Tùng, sinh năm 1989 ở phường Dữu Lâu, TP Việt Trì. Do không có tiền để trả, cả bọn rủ nhau đi… cướp tài sản. Cả 3 thống nhất địa điểm, đối tượng tấn công, sau đó về nhà lấy phương tiện gây án. Nạn nhân là anh Nguyễn Xuân Phúc, sinh năm 1989, ở xã Vân Phú, TP Việt Trì. Trên đường đi làm về, anh Phúc đã bị các đối tượng sát hại để cướp 1 điện thoại di động và gần 300.000 đồng. Sau khi đem chiếc điện thoại di động cướp được đi bán các đối tượng lại đi chơi internet… bình thường.

 

Tại cơ quan Cảnh sát điều tra, Tạ Hoàng Tùng còn khai nhận trước đó đã cùng đồng bọn gây ra vụ án chống người thi hành công vụ - Cố ý gây thương tích tại khu 9, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao. Trong số đối tượng đã tham gia gây án có Hà Thanh Lâm, sinh năm 1992, ở phường Nông Trang, TP Việt Trì;  Phạm Đức Thắng, sinh năm 1992, ở Minh Phương, TP Việt Trì và Bùi Quang Trung, sinh năm 1992, ở Nông Trang, TP Việt Trì. Tại quán Karaoke Điểm Hẹn ở khu 9, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, bọn chúng đã gây ra vụ ẩu đả, khi anh Phạm Văn Nghiệp, Nguyễn Văn Thọ (Công an viên xã Tiên Kiên) đến giải quyết đã bị các đối tượng trên đâm nhiều nhát vào người, gây thương tích. Tất cả số đối tượng trên khi gây án còn đang ở tuổi vị thành niên.

 

Vị thành niên là lứa tuổi đang có những thay đổi tâm sinh lý, muốn khẳng định mình và dễ bị tác động, lôi kéo bởi các đối tượng xấu. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh mải lo làm ăn, không quan tâm đến con cái… Một số trẻ sống trong hoàn cảnh mồ côi, cha mẹ bất hòa, ly thân, ly hôn... dẫn đến sự thiếu hụt, phát triển lệch lạc về tình cảm, nhận thức. Theo số liệu khảo sát của Cơ quan Cảnh sát điều tra về tệ nạn xã hội Công an tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 1998 - 2010, trong số gần 2.000 trẻ vi phạm pháp luật có tới 1.141 trẻ vị thành niên, 386 là trẻ lang thang, vô gia cư. Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Thượng tá Đinh Văn Phúc cho biết: nguyên nhân những hành vi sai lệch và vi phạm pháp luật của một bộ phận thanh, thiếu niên do công tác phòng, ngừa vi phạm pháp luật chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, do thiếu chặt chẽ trong quản lý hoạt động kinh doanh giải trí ở các quán Karaoke, cửa hàng Internet, nhà hàng, khách sạn... nên nhiều cơ sở đã trở thành nơi tụ tập của một số thanh, thiếu niên có tiền và những học sinh hư, trốn học… Trong khi, sự phối hợp quản lý, giáo dục giữa gia đình - nhà trường - xã hội còn lỏng lẻo. Công tác giáo dục pháp luật, đạo đức chưa được chú trọng đúng mức, nhất là việc trang bị kiến thức và kỹ năng sống cho học sinh chưa được đầy đủ. Nhiều cấp ủy, chính quyền thiếu quan tâm đến công tác phòng, chống tội phạm ở lứa tuổi này, có nơi chỉ coi là nhiệm vụ của cơ quan công an…

 

Thực trạng trên cho thấy, để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, nhất là ở đối tượng vị thành viên, các cơ quan chức năng, đoàn thể xã hội cần tăng cường phối hợp với nhà trường đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức cho học sinh; liên hệ chặt chẽ với gia đình để thông báo kịp thời kết quả học tập, rèn luyện cũng như những biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ, lối sống của các em để phối hợp giáo dục, quản lý ngay từ đầu. Các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm tới sự phát triển tâm, sinh lý của con em mình, đồng thời thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập cũng như các mối quan hệ của các em. Mặt khác, ngành chức năng cần tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở kinh doanh, giải trí tiềm ần nguy cơ vi phạm và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Lựa chọn một số vụ án xét xử lưu động nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật, góp phần phòng ngừa tình trạng vi phạm pháp luật, nhất là trong thanh, thiếu niên.

 

Chăm sóc, giáo dục lứa tuổi vị thành niên phải là hoạt động thường xuyên có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội, trong đó gia đình phải là điểm tựa vững chắc để ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

 

 

 

Theo Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm