Cập nhật: 04/07/2011 16:23:08 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong những năm qua, tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ở các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ diễn ra hết sức sôi động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giải quyết được nhiều nhu cầu về việc làm của người lao động, đem lại những mặt tích cực nhất định cho đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mang lại cũng xuất hiện một số mặt tiêu cực, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường để lại những hậu quả khó lường và các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc không nằm ngoài số đó.

 

Tình hình vi phạm pháp luật về môi trường của các doanh nghiệp có vốn đầu của Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc xảy ra ở nhiều lĩnh vực với nhiều thủ đoạn khác nhau. Vi phạm chủ yếu về xả thải, quản lý chất thải nguy hại và khí thải, điển hình là: Vụ vi phạm về xả nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải của Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (Đồng Nai); vụ vi phạm về xả nước thải không qua xử lý của Công ty cổ phần Công nghiệp TungKuang (Hải Dương); vụ vi phạm về quản lý chất thải nguy hại và xả nước thải vượt tiêu chuẩn của Công ty TNHH Nhôm Đông á Việt Nam (Hải Dương); vi phạm về quản lý chất thải và xả nước thải của khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc (Bình Phước)...

 

Kết quả điều tra, xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường trên toàn quốc cho thấy, vi phạm pháp luật về môi trường của các doanh nghiệp có vốn đầu tư Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc xảy ra trên tất cả các ngành nghề có vốën đầu tư, cụ thể: có khoảng 5% trong tổng số 1.252 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan tại 15 địa phương đã bị xử lý vi phạm pháp luật về môi trường, vi phạm chủ yếu ở các ngành nghề: da giầy, cơ khí chế tạo máy, chế biến gỗ,... Các địa phương có doanh nghiệp đã bị xử lý vi phạm hành chính gồm: Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Dương, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Tây Ninh, Đồng Nai, Hải Dương,  Có khoảng 5% trong tổng số 520 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc tại 13 địa phương đã bị xử lý vi phạm pháp luật về môi trường, vi phạm chủ yếu ở các ngành nghề: cơ khí chế tạo máy, giấy, khai thác chế biến khoáng sản... 

 

Các địa phương có doanh nghiệp đã bị xử lý vi phạm hành chính gồm: Bình Dương, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Hà Giang, Hải Phòng, Cần Thơ, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Hòa Bình, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cao Bằng, Kiên Giang,  Có khoảng 3% trong tổng số 1.845 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc tại 16 địa phương đã bị xử lý vi phạm pháp luật về môi trường, vi phạm chủ yếu ở các ngành nghề: cơ khí chế tạo máy, nhựa, cao su, dệt may, chế biến thực phẩm, nhuộm,... Các địa phương có doanh nghiệp đã bị xử lý vi phạm hành chính gồm: Bình Dương, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Hải Phòng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Cần Thơ, Bắc Giang, Nam Định, Khánh Hòa, Hòa Bình, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh...

 

Các vi phạm pháp luật về môi trường phổ biến của các doanh nghiệp có vốn đầu tư Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc là: không thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thủ đoạn gian dối thường được các doanh nghiệp áp dụng là đầu tư hệ thống xử lý (khí thải và nước thải) sơ sài, không đảm bảo về chất lượng, thậm chí không vận hành hệ thống xử lý, xây dựng đường thoát nước thải ngầm không qua xử lý trước khi dây chuyền sản xuất đưa vào sử dụng, điển hình như vi phạm của Công ty Vedan (Đồng Nai), Công ty Miwon (Phú Thọ) hoặc xả khí thải vào ban đêm để tránh bị phát hiện.

 

Qua số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp có vốn đầu tư Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc cho thấy tỷ lệ vi phạm đã bị phát hiện là chưa nhiều, nhưng phải khẳng định rằng tư tưởng cố tình vi phạm đang tồn tại trong một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc, khi có điều kiện thuận lợi là họ sẽ thực hiện hành vi vi phạm. Do đó, các ngành các cấp, các cơ quan chức năng cần phải nêu cao tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đồng thời thực hiện tốt công tác phối hợp trong phòng ngừa, xử lý vi phạm.

 

Lương Minh Thảo

Đại tá - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an

 

 

Theo Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm