Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 275 điều, tăng 51 điều so với Bộ luật cũ, trong đó có 90 điều mới, 103 điều sửa đổi, 82 điều giữ như hiện hành. Điều đáng nói là Dự thảo Bộ luật Lao động đã giành một chương quy định riêng về lao động nữ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải sửa đổi một số điều để đảm bảo tối đa quyền lợi của phụ nữ và tạo sự bình đẳng giới trong pháp luật về lao động.
Quy định mới về lao động nữ
Theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Nhà nước có những chính sách bảo đảm quyền làm việc của phụ nữ bình đẳng về mọi mặt với nam giới trong đó quy định thời gian làm việc của lao động nữ phải ít hơn số giờ làm việc trong ngày, ít hơn số giờ làm việc trong tuần so với những quy định chung của doanh nghiệp. Đặc biệt, Nhà nước còn có chính sách ưu đãi cho vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ một lần từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm đối với lao động nữ.
Dự thảo luật còn có những quy định ưu tiên đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ như xét giảm thuế đối với những doanh nghiệp có từ 10 đến 100 lao động nữ chiếm 50% trở lên trong tổng số lao động làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, hoặc có trên 100 lao động nữ chiếm 30% trở lên trong tổng số lao động làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dự thảo lần này có những quy định mới trong vấn đề nghỉ thai sản của phụ nữ. Dự thảo đã đưa ra hai phương án khác nhau. Phương án thứ nhất quy định: lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con, cộng lại sáu tháng và được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Còn phương án thứ hai giữ như quy định của Bộ luật hiện hành: lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con, cộng lại từ bốn đến sáu tháng do Chính phủ quy định, tùy theo điều kiện lao động, tính chất công việc nặng nhọc độc hại và nơi xa xôi hẻo lánh. Nếu sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 30 ngày.
Về độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ, dự thảo luật quy định: đối với những nữ LĐ thuộc đối tượng điều chỉnh của BLLĐ thì tuổi đời hưởng lương hưu là 55 tuổi; còn LĐ nữ thuộc khu vực quản lý nhà nước và hành chính sự nghiệp thì tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi...
Hướng tới mục tiêu bình đẳng giới
Có thể nói, so với trước đây, dự thảo Bộ luật Lao động lần này mặc dù đã giành một chương quy định riêng với lao động nữ, với những nét mới, tiến bộ, song vẫn có những ý kiến cho rằng, cần phải sửa đổi một số điều để bảo đảm quyền và lợi ích của phụ nữ. Tại Hội nghị trao đổi thông tin “Góp ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Friedrich - Ebert (FES) tổ chức mới đây, chế độ thai sản và tuổi nghỉ hưu của lao động nữ được các đại biểu bàn thảo rất nhiều.
Về chế độ hưu trí, từ trước tới nay, pháp luật đều quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sớm hơn nam là 5 tuổi: nam đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi. Nhiều ý kiến cho rằng những năm gần đây, kinh tế - xã hội có những phát triển vượt bậc, do vậy pháp luật cần có những sửa đổi nhất định để đảm bảo quyền và lợi ích cho lao động nữ. Bộ LĐ- TB và XH khi tiến hành khảo sát, thăm dò ý kiến của người dân về độ tuổi nghỉ hưu thì đa số các phụ nữ làm việc trong điều kiện tốt cho rằng nên tăng thời gian nghỉ hưu của lao động nữ. Trong khi đó, các lao động nữ làm việc ở các doanh nghiệp thì cho rằng, nên giữ nguyên mức nghỉ hưu hiện tại là 55 tuổi với nữ.
Dung hòa hai quan điểm đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, Dự thảo Bộ luật Lao động nên quy định nữ được lựa chọn thời gian nghỉ hưu trong khoảng từ 55 đến 60 tuổi, không bắt buộc phải thực hiện chung một độ tuổi mang tính cố định có thể phù hợp với người này mà không phù hợp với người kia. Cùng quan điểm này, đại diện tổ chức Công đoàn cho rằng, nên phân đối tượng như sau: lao động nữ là công nhân lao động trực tiếp sản xuất thì từ 50 tuổi đến 55 tuổi có thể nghỉ hưu, trường hợp nữ là cán bộ khu vực quản lý nhà nước và hành chính sự nghiệp, là các nhà khoa học có thể là 60 tuổi nghỉ hưu, nhưng có quyền xin nghỉ hưu sớm hơn từ 1 năm đến 5 năm. Trong khi đó, không ít ý kiến lại đồng tình với việc quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi, nữ là 60 tuổi và nên tách đối tượng là người lao động và cán bộ, công chức, viên chức để quy định cho phù hợp.
Về chế độ nghỉ thai sản cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đồng tình quan điểm quy định chung về thời gian nghỉ thai sản của phụ nữ là 6 tháng cộng với cả trước và sau khi sinh, được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của Luật BHXH. Trong trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 30 ngày. Đồng thời, Hội cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm 1 điều khoản quy định người chồng được nghỉ hai tuần trước và sau khi lao động nữ sinh con để chăm sóc con chia sẻ gánh nặng cho người phụ nữ và được hưởng nguyên lương, thời gian nghỉ tùy thuộc vào sự thỏa thuận với người sử dụng lao động và người lao đông cho phù hợp với quy định của pháp luật về bình đẳng giới. Mặt khác, Hội cũng cho rằng, Dự thảo luật phải có thêm một số chính sách thai sản cho người lao động là phụ nữ nông dân, nông thôn.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được lấy ý kiến đóng góp và tới đây sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua. Những đóng góp trên là cơ sở để ban soạn thảo chỉnh sửa, hoàn thiện nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích chính đáng của lao động nữ, hướng tới sự bình đẳng giới trong pháp luật về lao động.
Theo Thu Trang/Báo Điện tử ĐBND