Cập nhật: 05/08/2011 16:08:21 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước đây, nạn bài bạc ở nông thôn thường chỉ diễn ra vào dịp tết, lễ, trong các đám cưới, đám tang, dịp nông nhàn hay những cuộc liên hoan, họp mặt. Đối tượng chơi chủ yếu là người lớn, những người có “đồng ra đồng vào”…

Giờ đây, nạn bài bạc diễn ra thường xuyên, công khai, ở mọi nơi, nhiều lứa tuổi khác nhau, song đang có xu hướng gia tăng và nhức nhối nhất là ở lớp trẻ, lứa tuổi học đường với những chiếu bạc thâu đêm suốt sáng và tính chất “sát phạt” ghê gớm.

 

Hay về quê, mỗi lần về tôi thường qua thăm bà con xóm giềng nên được nghe rất nhiều phàn nàn của bà con về “bọn trẻ hư”, hay tụ tập cờ bạc ở làng: chúng nó toàn đứa lười học hoặc thất học không có việc làm, tiền toàn trộm của bố, của mẹ, sát phạt nhau ghê gớm lắm; đầu nhuộn tóc vàng, tóc đỏ, đứa được thì cười, đứa thua thì sị mặt, văng tục…

 

Không chỉ có nghe, tôi còn được trực tiếp chứng kiến cảnh các thanh thiếu niên nông thôn sát phạt nhau. Theo đó, lúc đầu chơi “nhẹ nhàng” vài ba ngàn với hình thức chơi “phỏm”, sau chơi “ba cây” với mười, hai mươi ngàn và gần đây đã chuyển sang chơi “sóc đĩa” với 50 đến hàng vài trăm ngàn một “lần mở”.

 

Được thì hớn hở, tiêu sài, ăn nhậu thả phanh, mất thì cau có, chửu thề, gây mâu thuẫn, nhiều em thua, lỗ đến vài triệu, phải mang cầm cố xe đạp, xe máy và cả những vật dụng có giá trị khác của mình hay của lấy được từ nhà, người thân. Tuy chưa khẳng định, song những vụ mất gà, chó, mèo và các vật dụng khác mà thủ đoạn khá táo tợn, trắng trợn ngay ban ngày ở làng quê tăng thời gian gần đây, nhất là nơi có nhiều “chiếu bài” hoạt động không thể không ngoại trừ thủ phạm chính là các “con bạc” trẻ này. Điều đáng nói là phản ứng của người lớn rất khác nhau, đôi lúc không rõ ràng, kể cả bố mẹ các em.

 

Có người rất cương quyết dẹp, tìm mọi cách ngăn cấm con cái đánh bài ăn tiền, nhiều người bức xúc đến tận nhà “chủ chứa” đề nghị không cho tụ tập, thậm chí đã báo cơ quan chức năng. Nhưng cũng có người phản ứng rất bình thường, kệ do sợ liên lụy, sợ bị “nó ghét” hay “mang vạ vào thân” nên im lặng, có chủ nhà còn vào hùa, đứng ra thu “lệ phí” mỗi đêm, mỗi ngày hay mỗi chiếu chơi, bao che kể cả khi có con em họ trực tiếp chơi…

 

Hậu quả là các em thành quen, ngày càng dấn thân vào con đường hư hỏng, dối mẹ cha, bỏ bê học hành, không giúp đỡ gia đình, ít tiếp xúc với người thân, lỳ lợm… Phức tạp hơn là những việc đó của các em tác động và làm vẩn đục môi trường bình yên ở làng quê, ảnh hưởng xấu không chỉ trực tiếp đến hiện tại, tương lai của các em mà còn đến thanh thiếu niên ngoan quanh vùng, gây lên tâm lý lo lắng cho bao người khác.

 

Các em đang trong lứa tuổi học đường nhưng rồi sự học không được quan tâm, vai trò của các em lớn trong sự phát triển của xã hội, nhưng vai trò đó không được phát huy với những việc làm có ý nghĩa xã hội. Lao vào cờ bạc sẽ làm cho học hành giảm sút, sức khỏe đi xuống, trí tuệ không minh mẫn, nợ nần, trộm cắp, dễ bị lôi kéo làm những việc xấu khác, thậm chí là đâm thêu chém mướn để lấy tiền “đốt” vào những chiếu bạc thâu đêm, suốt sáng quên cả ăn, học. Ai giám chắc điều gì khi các em “khát bạc” mà không có tiền để chơi, điều gì sẽ đến khi người thân, chính quyền địa phương biết nhưng thờ ơ, biết mà không vào cuộc? Tôi thấy, cần thiết rung lên hồi chuông báo động về tình trạng này ở nông thôn.

 

Qua đó mong muốn chính quyền địa phương, vùng nông thôn, nơi tình trạng này đang diễn ra phức tạp có ngay những biện pháp mạnh để dẹp bỏ tệ nạn xã hội này, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục các văn bản luật, dưới luật liên quan đến phòng, chống tệ nạn cờ bạc, tiến hành xử lý công khai, nghiêm một số vụ để răn đe, sớm mang lại môi trường sống lành mạnh cho mọi trẻ thơ và đời sống bình yên của bà con nông dân.

 

 

 

Theo Bùi Văn Mạnh/D&TĐ Online

Tệp đính kèm