Bộ Tư pháp vừa có công văn đốc thúc các Sở Tư pháp kịp thời triển khai các quy định của Thông tư số 11/2011/TT-BTP hướng dẫn thực hiện một số nội dung về công chứng viên, tổ chức và hoạt động công chứng, quản lý nhà nước về công chứng (có hiệu lực từ 15/8).
Không gây phiền hà cho người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên
Bộ Tư pháp đề nghị các Sở Tư pháp khi tiếp nhận hồ sơ đối với người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên (CCV) thường trú tại địa phương thuộc diện được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề công chứng, phải được thực hiện đúng thời hạn quy định, đảm bảo không gây phiền hà, ách tắc cho người đề nghị bổ nhiệm CCV. Nếu hồ sơ đầy đủ và đáp ứng quy định thì Sở Tư pháp có văn bản gửi Bộ Tư pháp kèm theo hồ sơ đề nghị bổ nhiệm CCV. Nếu từ chối phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.
Các Sở Tư pháp cũng phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục đề nghị Bộ Tư pháp cấp thẻ CCV được quy định trong Thông tư số 11 và cấp thẻ CCV kịp thời, thống nhất cho các CCV. Đồng thời hướng dẫn, phổ biến, quán triệt cho các tổ chức hành nghề công chứng, CCV trên địa bàn về việc quản lý, sử dụng thẻ CCV, đặc biệt là quy định CCV phải mang theo thẻ khi hành nghề.
Không để trùng lắp tên gọi của các VPCC
Trước ngày 31/8, các Sở Tư pháp phải rà soát, kiểm tra tên gọi của các văn phòng công chứng (VPCC) hiện có tại địa phương và lập danh mục gửi về Bộ Tư pháp. Trong trường hợp phát hiện có sự trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn giữa tên gọi của các VPCC tại địa phương hoặc với tên gọi của VPCC tại một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác thì phải căn cứ Luật Công chứng và quy định tại Thông tư số 11/2011/TT-BTP để xem xét.
Khi tiếp nhận, xem xét, thẩm tra hồ sơ đề nghị thành lập VPCC để trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập, Sở Tư pháp phải kiểm tra, đối chiếu để tránh tình trạng trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn về tên gọi của các tổ chức hành nghề công chứng.
Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm trong hoạt động công chứng. Chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT tham mưu cho UBND cấp tỉnh trong việc chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu về hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đã được công chứng trong phạm vi địa phương, thực hiện các biện pháp liên thông giữa tổ chức hành nghề công chứng với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở TN&MT, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng TN&MT, Phòng TN&MT nơi chưa có Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và các cơ quan, tổ chức có liên quan để chia sẻ thông tin về những hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đã được công chứng.
Các Sở Tư pháp phải tăng cường tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng cho đội ngũ CCV đang hành nghề công chứng trong phạm vi địa phương; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các lớp tập huấn về các kỹ năng nhận dạng dấu vân tay, chữ ký và giấy tờ giả...; kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong thực tế về Bộ Tư pháp để được nghiên cứu, giải quyết.
Những biện pháp trên nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng trên cả nước và kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho người dân.
Theo Xuân Hương/Báo Pháp luật VN điện tử