Cập nhật: 09/11/2011 15:25:42 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kết quả công bố thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài Nguyên và Môi trường mới đây cho biết, hiện tại có đến 40% khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước vi phạm pháp luật về môi trường.

Tại khu công nghiệp, khu chế xuất đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố cả nước. Đến đầu năm 2009, cả nước có trên 200 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt cấp phép hoạt động. Ngoài ra, còn có hàng trăm cụm, điểm công nghiệp được các tỉnh thành phố quyết định theo thẩm quyền được phân cấp. Cả nước có đến 1.500 làng nghề, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Bên cạnh việc phát triển mạnh về số lượng khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề với lượng hàng hóa dồi dào thì cũng đồng nghĩa với việc gia tăng áp lực ô nhiễm môi trường.

 

Theo tính toán, bình quân mỗi ngày, các khu, cụm, điểm công nghiệp thải ra khoảng 30.000 tấn chất thải rắn, lỏng, khí và chất thải độc hại khác; hàng chục vạn m3 nước thải. Cần nhấn mạnh rằng, nước thải, khí thải, chất thải công nghiệp rất nguy hiểm với các hàng lượng hóa lý cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến môi sinh, môi trường, không khí, sức khỏe con người trước mắt cũng như lâu dài. Tình trạng cá chết trắng hàng loạt tại các sông đã không còn là hy hữu; xuất hiện không ít “làng ung thư” là hàng xóm của các nhà máy, khu công nghiệp. Nhiều vùng miền nông thôn đã mất đi vẻ đẹp tự nhiên, mất đi tính đa dạng sinh học. Khiếu kiện, xung đột từ ô nhiễm môi trường giữa người dân địa phương và khu công nghiệp đã tăng lên với sự gay gắt ngày càng lớn... Theo thống kê, lưu vực sông Đồng Nai đã quá sức chịu tải với trên 9.000 cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ. Dọc lưu vực sông Đồng Nai, có 56 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động nhưng chỉ có 21 khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung, số còn lại đều xả trực tiếp vào nguồn nước. Lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu... không là ngoại lệ. Bình quân mỗi ngày, các lưu vực sông của nước phải tiếp nhận khoảng 48.000m3 nước thải từ các cơ sở sản xuất. Sông ngòi bị bồi lấp, lắng đọng, ô nhiễm nguồn nước phần lớn do nước thải công nghiệp.

 

Thời gian qua, dư luận biết về sự kiện Công ty Vedan Việt Nam không vì những sản phẩm hàng hóa của họ có mặt khắp trên thị trường mà chính là việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cơ quan chức năng đã phải mất ròng rã hơn 6 tháng trời, đóng giả làm công nhân nhà máy để thu thập chứng cứ, phanh phui những hành vi vi phạm pháp luật môi trường của Vedan. Vedan tinh vi đến mức, vẫn xây dựng duy trì hệ thống xử lý nước thải, nhưng thiết kế ống ngầm để tuồn thẳng nước thải ra đáy lòng sông Thị Vải. Theo đó, thu lời lớn từ việc trốn chi phí xử lý thải và hòng qua mắt cơ quan quản lý; hàng vạn hộ nông dân bị thiệt hại sản xuất nông nghiệp. Cái mất lớn nhất là người tiêu dùng quay lưng từ chối tiêu dùng các sản phẩm của Vedan.

 

Chưa hết, gần như tuần nào, ngày nào báo chí là công cụ truyền thông luôn phải cập nhật đưa tin về tổ chức, doanh nghiệp có những hành vi vi phạm pháp luật môi trường. Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ năm 2005, nhưng vẫn chưa đủ khả năng ngăn chặn các hành vi vi phạm môi trường ngày càng tinh vi. Sau chính sách ra sức mời gọi chính sách phát triển công nghiệp, một số khu công nghiệp được thiết kế xây dựng với công nghệ sản xuất lạc hậu; khi xây dựng không quan tâm hệ thống xử lý rác, nước, khí thải hoặc xây dựng không đạt yêu cầu để chống đối; hoặc cố tình trốn tránh công tác bảo vệ môi trường. Người dân cho rằng, khu công nghiệp như là pháo đài bất khả xâm phạm. Nghĩa là, bên trong cứ sản xuất rồi xả khí bụi, nước thải ra ngoài tự nhiên và cuối cùng là người dân phải hậu quả.

 

Thanh tra, kiểm tra giám sát là hoạt động thường xuyên và cũng là công cụ quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, với số lượng thanh tra viên ít; năng lực cán bộ thanh tra còn hạn chế; công cụ hỗ trợ hoạt động thanh tra (chủ yếu qua cảm nhận thực tế) hoặc dụng cụ thô sơ; trong khi mức độ, quy mô, cách thức vi phạm pháp luật môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ngày càng tinh vi, hiện đại thì thanh tra hiện nay không thể là công cụ ngăn chặn hiệu quả việc vi phạm pháp luật về môi trường tại khu công nghiệp.

 

Cơ quan quản lý nhà nước “quyết tâm” không cấp phép hoạt động cho khu công nghiệp không đầu tư hệ thống xử lý môi trường hoặc rút giấy phép hoạt động khi có hành vi vi phạm; Đặc biệt, người tiêu dùng phải cùng đồng lòng không tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ hàng hóa của nhà máy, khu công nghiệp vi phạm pháp luật môi trường. Đây  chính là công cụ mà thế giới đã thực hiện rất hiệu quả.

 

 

 

Theo Ngọc Bách/Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm