Cập nhật: 22/11/2011 15:33:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các đối tượng chống người thi hành công vụ phần lớn là thanh niên. Đây là thực trạng đáng báo động về sự xuống cấp đạo đức, coi thường pháp luật

Vụ việc chống người thi hành công vụ gần đây nhất được báo chí đưa tin, tối ngày 17/11 vừa qua, tại ngã tư Xuân Thuỷ – Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội, tổ công tác đặc biệt 141, công an thành phố Hà Nội phát hiện hai thanh niên đi xe máy do Nguyễn Văn Hoàn (28 tuổi, ở Đại Mỗ, Từ Liêm) điều khiển vi phạm luật giao thông nên tiến hành chặn giữ kiểm tra. Trong lúc đang lập biên bản vi phạm, đối tượng đi cùng xe với Hoàn là Trịnh Ngọc Tú (31 tuổi, ở khu tập thể Kim Liên, Đống Đa) đã buông những lời lẽ xúc phạm tổ công tác. Không những thế, Tú còn mạo nhận là cháu Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội và lao tới tát mạnh vào má Trung úy Nguyễn Cao Thắng rồi bỏ chạy.

 

Trước đó, ngày 10/11, nhận được tin báo có vụ tai nạn giao thông trên đường Tôn Đức Thắng (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), Thiếu úy Nguyễn Vũ Khánh, đội Cảnh sát giao thông thành phố Sóc Trăng được phân công đến bảo vệ hiện trường. Thấy một nhóm thanh niên ngang nhiên dẫn xe bị tai nạn định bỏ chạy, Thiếu úy Khánh ngăn lại thì bất ngờ bị một đối tượng tấn công vào mặt, giật áo, xé rớt quân hàm.

 

Dư luận cũng chưa quên ngày 23/8, Phạm Thị Mỹ Linh, sau khi vi phạm luật giao thông đã tát vào mặt 2 chiến sĩ cảnh sát giao thông trên đường Lê Văn Khương, quận 12, TP HCM, bị tòa tuyên phạt 9 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”.

 

Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ chống lại lực lượng cảnh sát giao thông xảy ra trong cả nước thời gian gần đây. Lý giải về hiện tượng gia tăng chống người thi hành công vụ, Thượng tá Trần Sơn, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Bộ Công an cho rằng: Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các hành vi này là do lực lượng cảnh sát giao thông và lực lượng cảnh sát khác đang triển khai quyết liệt các giải pháp mạnh theo chỉ đạo của Bộ Công an về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và mở các đợt cao điểm, tuần tra, kiểm soát, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm  giao thông. Cùng với đó, chế tài xử phạt các hành vi dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, đặc biệt là khu vực nội đô Hà Nội và TP HCM khá cao cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chống người thi hành công vụ gia tăng. Đối tượng vi phạm giao thông luôn có tâm lý trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát cũng như việc xử lý của cơ quan chức năng. Khi vi phạm bị xử lý, các đối tượng này thường sử dụng mọi biện pháp như xin xỏ, gọi điện thoại nhờ ai đó tác động và nếu không được thì dùng tiền hối lộ cảnh sát nhằm bỏ qua lỗi vi phạm. Khi không đạt được mục đích thì xoay sang cản trở, hành hung người thi hành công vụ.

 

Một nguyên nhân cơ bản nữa là do một bộ phận thanh thiếu niên và đối tượng hình sự có biểu hiện ngày càng coi thường pháp luật. Thêm vào đó, hiện nay, việc xử lý hình sự trong một số điều luật của nước ta còn quá nhẹ, nhất là hành vi chống người thi hành công vụ. Một số vụ án xét xử chống người thi hành công vụ thường xử án treo hoặc xử phạt rất nhẹ nên không đủ sức giáo dục, răn đe tội phạm. Song, cũng phải thừa nhận một nguyên nhân khác là do lực lượng cảnh sát, công an khi làm nhiệm vụ có cách ứng xử chưa đẹp, thiếu tôn trọng đã gây ức chế cho người dân.

 

Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ, trước hết, nội bộ ngành công an phải giáo dục, chấn chỉnh cán bộ chiến sỹ về thái độ, tác phong, tư thế, điều lệnh. Khi tiếp xúc với người dân, phải chuyên nghiệp, đúng mực trong xử lý, để vừa bảo vệ được tính mạng của mình, vừa thi hành được nhiệm vụ, vừa đảm bảo nghiêm kỷ cương phép nước.

 

Bộ luật Hình sự đã có quy định về tội chống người thi hành công vụ và coi hành vi chống người thi hành công vụ là tình tiết tăng nặng trong cấu thành tội phạm. Trên cơ sở đó, các cơ quan tư pháp cần phải kiên quyết điều tra, xử lý và đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật các đối tượng chống người thi hành công vụ. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp và các phương tiện thông tin đại chúng cần bảo vệ những người thi hành công vụ và tạo ra dư luận xã hội lên án mạnh mẽ những hành vi sai trái chống đối người thi hành công vụ.

 

Dự báo trong thời gian tới, tội phạm chống người thi hành công vụ sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có nhiều vấn đề mới nảy sinh. Thực tế này đòi hỏi Nhà nước và các cơ quan chức năng phải có các giải pháp hữu hiệu và có tính dự báo cao hơn nhằm lập lại kỷ cương, ổn định an ninh trật tự xã hội và đảm bảo cho việc thực thi pháp luật đạt hiệu quả cao nhất./.

 

 

Theo Phạm Công Hân/ vovnews.vn

Tệp đính kèm