Cập nhật: 29/11/2011 13:25:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cuối năm là thời điểm các hoạt động thương mại qua các cửa khẩu trở nên sôi động. Ðây cũng là thời điểm các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại gia tăng hoạt động, gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống của các lực lượng chức năng.

9 tháng đầu năm, Lạng Sơn xử lý 3.978 vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm

 

Là tỉnh biên giới có nhiều cửa khẩu, Lạng Sơn đã thực sự trở thành đầu mối giao lưu kinh tế, thương mại không chỉ mang tính địa phương mà còn mang tính quốc gia, quốc tế.

 

Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương về phòng chống buôn lậu qua biên giới, tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong 9 tháng đầu năm 2011 giảm nhiều so với các năm trước. Thị trường ổn định, không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, liên kết độc quyền để tăng giá, ép giá, tung tin thất thiệt gây rối loạn thị trường, các đường dây, tụ điểm kinh doanh, vận chuyển hàng hoá vi phạm với số lượng lớn, gây bất bình trong dư luận.

 

Kết quả, 9 tháng đầu năm 2011 các lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý 3.978 vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng không được phép lưu thông trên thị trường, bằng 100,45% so với cùng kỳ năm 2010; trị giá hàng hoá tịch thu, thu phạt hành chính và thu thuế đạt trên 40 tỷ đồng, bằng 96,39% so với cùng kỳ năm 2010.

 

Để phát huy kết quả trên, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, UBND tỉnh sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát ở tất cả các đường mòn, lối tắt, cửa khẩu chính không để hình thành đường dây, tụ điểm; tăng cường lực lượng, cán bộ làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại… Đồng thời, công an tỉnh cũng sẽ tập trung phát hiện, kịp thời xử lý đối với những tổ chức, cá nhân “Cố tình lợi dụng chính sách”, hợp thức hoá chứng từ, hoá đơn cho hàng hoá nhập lậu, trốn thuế, tại các “Tụ điểm, tàng trữ, gom hàng nhập lậu, chốn thuế”; quản lý chặt chẽ đối với hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất qua địa bàn tỉnh...

 

Quảng Ninh triển khai phòng, chống buôn lậu khoáng sản

 

Cũng là tỉnh có tuyến biên giới trải dài với các cửa khẩu quốc tế cả đường bộ và đường biển, Quảng Ninh từ lâu đã trở thành điểm "nóng" của các hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là thuốc lá, rượu ngoại, pháo nổ, điện thoại di động, động vật hoang dã, hàng điện tử...

 

Cục Hải quan Quảng Ninh đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nên nhìn chung các vụ buôn lậu, gian lận thương mại bị bắt giữ, xử lý giảm so với cùng kỳ năm 2010. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2011, các đơn vị thuộc Cục Hải quan Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 383 vụ buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại với trị giá hơn 19 tỷ đồng, bằng 98,7% về số vụ, nhưng giá trị đạt 215% so với cùng kỳ năm 2010. Ðặc biệt, trong tháng 10 vừa qua, lực lượng Hải quan Quảng Ninh đã phát hiện, thu giữ hơn 1 tấn ngà voi vận chuyển lậu qua biên giới...

 

Và để ngăn chặn xuất lậu, gian lận thương mại đối với khoáng sản, Cục Hải quan Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch triển khai đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng khoáng sản giai đoạn 2011-2012. Trong đó duy trì và làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống ngăn chặn xuất lậu, gian lận thương mại đối với khoáng sản qua địa bàn quản lý; phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi xuất lậu khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

 

Cao Bằng nỗ lực ngăn chặn “dòng chảy” hàng lậu về xuôi

 

Dù không phải là địa bàn trọng điểm về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, nhưng tỉnh Cao Bằng là nơi có nhiều cửa khẩu biên giới, hệ thống đường tiểu ngạch dày đặc. Thời gian qua, lực lượng chống buôn lậu và gian lận thương mại của Cao Bằng luôn phải cố gắng để ngăn chặn “dòng chảy” hàng lậu về xuôi.

 

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Cao Bằng cho biết, lợi dụng đường biên kéo dài, nhất là chính sách ưu đãi của pháp luật với cư dân biên giới, nhiều “đầu nậu” đã tạo dựng mắt xích, thuê người dân vận chuyển hàng hóa (chủ yếu hàng điện tử, đồ gia dụng…) qua biên giới.

 

Đáng chú ý, có nhiều vụ việc, đối tượng buôn lậu còn sử dụng “chiêu” quay vòng hóa đơn bán hàng để né lực lượng chức năng. Thống kê của Phòng cho thấy, chỉ tính riêng quý III/2011, đơn vị này đã điều tra phá 7 vụ án kinh tế với 10 đối tượng.

 

 

Theo Quốc Hà/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm