Ở nước ta hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang gia tăng một cách phức tạp.
Số liệu của Ban chỉ đạo 127 TW cho thấy, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2011, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã xử lý 43.694 vụ vi phạm, cụ thể 5.699 vụ liên quan đến sản xuất và buôn bán hàng giả với tổng số thu trên 140,6 tỷ đồng, trong đó phạt hành chính hơn 60 tỷ đồng, phạt và truy thu thuế gần 1,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các biện pháp răn đe, chế tài cũng chỉ như “muối bỏ bể” bởi quy mô làm giả đã lên tới tầm công nghiệp và ngày càng tinh vi hơn. Việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ không những ảnh hưởng lớn đến nguồn thu thuế của Nhà nước, tác động tiêu cực lên môi trường đầu tư mà còn đe dọa trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp và sức khỏe cộng đồng. Đây cũng là bài toán hóc búa mà doanh nghiệp phải đương đầu lâu nay.
Một số doanh nghiệp đã đề ra nhiều biện pháp tự bảo vệ sản phẩm của mình như thiết lập đường dây nóng để khách hàng thông báo nếu phát hiện hàng giả hàng nhái; chủ động in thông tin kèm theo sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết hàng thật-giả; tích cực tuyên truyền các thông tin chống hàng giả, hàng nhái trên các phương tiện thông tin - truyền thông…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không ngần ngại ứng dụng kỹ thuật cao trên sản phẩm để chống làm giả cũng như giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt sản phẩm chính hãng. Pernod Ricard Việt Nam đã tiên phong đưa vào sử dụng loại tem chống giả của doanh nghiệp song song với tem chống giả do Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an cấp.
Tem chống giả trên các sản phẩm của hãng là tem in laser công nghệ cao được thể hiện dưới dạng tem vỡ, không thể bóc tách. Loại tem này rất dễ nhận biết bằng cách: thấm nước lên 2 phần đầu tem, tên sản phẩm sẽ biến mất, khi nước khô, tem sẽ trở lại trạng thái bình thường; sử dụng bút dạ quang phổ thông bôi lên phần trắng của tem để hiện ra tên thương hiệu in chìm. Ngoài ra người tiêu dùng còn có thể chiếu đèn huỳnh quang hoặc đèn của bút soi tiền để nhận biết sản phẩm chính hãng.
Để tìm hiểu về tem chống giả, người tiêu dùng có thể xem tại trang web www.nhanbietruouthat.com. Để giải quyết vấn nạn hàng giả, ngoài sự tham gia của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, còn đòi hỏi sự góp sức từ chính người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần “Nói không với hàng rẻ, hàng nhái”, sẵn sàng tố cáo đối tượng làm giả và đặc biệt phải tự tạo thói quen mua hàng ở các cửa hàng, đại lý chính hãng...
Ngoài ra, khách hàng nên chú ý kiểm tra lại tem, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa để tránh bị đánh tráo với hàng giả, hàng kém chất lượng. Sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa cơ quan chức năng - doanh nghiệp - người tiêu dùng chính là cách tốt nhất ngăn chặn nạn sản xuất và tiêu thụ hàng giả trên thị trường.
Theo Đan Nguyễn/ SGGP Online